Multimedia Đọc Báo in

Nhớ nhà văn Thiên Lương

16:53, 26/10/2021

Có những người trong đời chưa từng gặp mặt, nhưng vẫn nhớ... Với tôi, đó là nhà văn Thiên Lương.

Hôm rồi tôi lục lại cuốn kỷ yếu “Ea H'leo - 15 năm xây dựng và phát triển (1980 - 1995)” do huyện Ea H’leo biên soạn và in ấn năm 1995.

Trong tập sách, ngay những trang đầu tôi đọc được một cái tên quen quen. Bài “Nhớ mãi Cẩm Ga”, ký tên "Thiên Lương - nguyên Đại úy, thành viên Ban quân quản Cẩm Ga".

Nói là "quen", bởi ký ức tuổi thơ tôi còn mang theo bộ sách “Thú rừng Tây Nguyên” đầy kỳ thú. Tác giả cũng là Thiên Lương. Giá sách của tôi giờ vẫn còn cuốn “Thú rừng Tây Nguyên” tập 2 do Sở Văn hóa và Thông tin Đắk Lắk xuất bản tháng 9-1986.

Sách khổ 13×19 dày 105 trang, in số lượng 40.000 cuốn. Giấy in có lẽ từ bột cây nứa rừng Chư Yang Sin mà nhà văn từng kể trong sách hay sao ấy, nó đen kịt, qua ngót 40 năm giờ ban ngày phải tìm chỗ nào thật sáng mới có thể... đọc được chữ! Vậy mà những trang giấy đen kịt ấy một thời đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao người.

Trở lại với tác giả Thiên Lương trong bài hồi ức trên cuốn kỷ yếu nói trên. Trong đó tác giả kể câu chuyện vào sáng 6-3-1975, trước giờ quân ta nổ súng tấn công quận lỵ Đức Lập thì có 9 người dân từ ấp chiến lược vào rừng kiếm củi, bị "lạc" vào sở chỉ huy trung đoàn, trong đó có hai phụ nữ có con mọn còn đang bú. Buộc phải cho nhóm đồng bào sống chung cùng bộ đội để còn giữ bí mật trận đánh. Nhưng nhìn bầu sữa của các chị chảy ròng ròng, mà con thơ thì đang ở nhà khát sữa, những người lính trẻ sốt ruột đứng ngồi mong sao cho chóng đến giờ G... 

Các tác phẩm của nhà văn Thiên Lương.

Mới đây, tôi mới biết hai tác giả Thiên Lương ấy chỉ là một người. Thật là thiếu sót. Bởi cứ nghĩ tác giả “Thú rừng Tây Nguyên” sau chiến tranh đã cởi áo về lại quê nhà miền Bắc, làm sao có thể xuất hiện trên kỷ yếu của một huyện Tây Nguyên! Và thiếu sót nữa, là dù quen biết Đại tá nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới nhưng không hề biết nhà văn Thiên Lương lại chính là cậu ruột của nhà văn Như Phong.   

Nhà văn Thiên Lương (1934 - 2010) tên thật là Nguyễn Thiên Lương, quê xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông vào bộ đội từ năm 1949, tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến trường biên giới Tây Nam. Nhiều năm chiến đấu khắp núi rừng Tây Nguyên đã cho ông vốn sống đặc biệt, để cho ra hàng loạt tác phẩm nổi tiếng được các thế hệ thiếu nhi yêu thích, như Thú rừng Tây Nguyên, Chim Tây Nguyên, Tay không bắt cọp, Tiếng hót chim Pút Kut, Vệ sĩ rừng xanh, Dũng sĩ thành Đăk Pha, Phân đội voi dũng sĩ, Cuộc chiến bên bờ sông Krông Năng, ký sự Cao nguyên thất thủ...

 

Tìm hiểu kỹ hơn về thân thế cuộc đời của nhà văn Thiên Lương mới biết sau chiến tranh ông đã lập gia đình và ở lại Tây Nguyên suốt nửa đời còn lại, công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Đắk Lắk. Và buổi chiều 4-12-2010, nhà văn Thiên Lương từ biệt cuộc đời ở tuổi 76, yên nghỉ ở nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột.

Nhớ và hình dung về một nhà văn yêu mến, một con người chưa một lần gặp mặt, tôi cảm thấy Thiên Lương rất thích hai chữ "Đại úy" trong danh xưng của mình.

Nếu thế hệ "nhà văn trung úy" lừng lẫy trong văn chương Xô viết, những Yuri Bondarev, Vasil Bykov, Viktor Astafiev từng trải qua những trận chiến khốc liệt của cuộc chiến tranh Vệ quốc, thì "bộc phá viên" Nguyễn Thiên Lương khi 19 tuổi đã dẫn đầu trung đội bộc phá đánh mở hầm tướng De Castries ở đồi A1 Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 chấn động địa cầu.

Nhớ ông qua từng con chữ, trang viết. Nhà văn ấy chung thủy biết bao với núi rừng cao nguyên bao la, phóng khoáng và ân tình.

Nhớ, trong “Thú rừng Tây Nguyên”, nhà văn Thiên Lương có những dòng như là tự sự: "Tây Nguyên là một chiến trường gian nan hết mực, ác liệt vô cùng… Nhưng cuộc chiến đấu ở Tây Nguyên, anh bộ đội Trường Sơn đã gặp những cánh chim ưng bay rợp bóng râm,… anh đã được tận mắt nhìn những chú chim đại bàng khổng lồ ở sườn núi Chư Yang Sin, hoặc đỉnh đồi cây đa gió lộng… Anh đã có dịp chứng kiến vũ hội của bầy công rực rỡ bên thảm cỏ ven bờ sông Krông Ana trong xanh…".

Để nhớ và nghĩ về Tây Nguyên ngày xưa ấy, và bây giờ…

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Giữa mùa gió bấc…
16:50, 26/10/2021
Mây sau nhà
15:32, 25/10/2021
Bình yên cho đời
15:31, 25/10/2021
Mẹ tôi
15:30, 25/10/2021
Thương ngọn mồng tơi
09:53, 24/10/2021
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.