Multimedia Đọc Báo in

“Vọng núi” - ký họa Tây Nguyên bằng thơ

16:12, 24/05/2022

Tập thơ “Vọng núi” (NXB Hội Nhà văn năm 2022) của cô giáo Trần Nguyệt Ánh được viết theo lối thơ 1-2-3 khá mới lạ, mỗi bài chỉ 3 khổ, 6 câu, trong đó khổ 1 chỉ 1 câu không quá 11 chữ hoặc ít hơn và cũng là tựa đề bài thơ, khổ 2 gồm 2 câu, khổ 3 là 3 câu còn lại…

Tập thơ gồm 132 bài thơ, mỗi bài như một phác thảo, một bức ký họa bằng thơ về mảnh đất, tình yêu, tình người Tây Nguyên. Dưới những “nét cọ” thơ được nhà thơ chấm phá, bức tranh về Tây Nguyên đại ngàn hiện lên rõ rệt, hùng vĩ, hoang sơ mà cũng rất bình dị, gần gũi.

“Bản hòa tấu cồng chiêng vút lên/ Âm thanh cuộn trào từ dòng Sê Rê Pốk/ Bật ra từ những cánh rừng già/ Bung lên từ lòng đất ba zan/ Tiếng của núi sông, hòa âm vào hồn dân tộc/ Bên nhà rông, lễ thổi tai cho một sinh linh chào đời”. Khi nói về Tây Nguyên, người ta không thể không nhắc đến cồng, chiêng; đó là tiếng nói tâm linh của người dân bản địa với Yàng để cầu bình an và mùa màng bội thu; người ta không thể quên sức mạnh sục sôi của con sông Sêrêpốk có mạch nguồn trong sâu thẳm từ rừng già. Ở đó, trong ngôi nhà rông, một sinh linh chào đời, để tất cả như thấy một Tây Nguyên hoang sơ, dữ dội luôn được kế thừa và những mầm non được sinh ra mạnh mẽ. Những mầm non của đại ngàn được thai nghén, tôi luyện trong khí trời, âm thanh cồng chiêng, của sông cha, sông mẹ, có khi, nguồn cơn từ ánh mắt!

Hình ảnh Tây Nguyên, đôi khi chỉ là khung cửi ngày xưa ngủ quên trên gác bếp, khi là chiếc gùi trên lưng lên rẫy, làm nương, níu vịn với người đi vào thơ Trần Nguyệt Ánh cũng hiện lên một Tây Nguyên tươi đẹp, đậm chất truyền thống: “Gùi tre, ta vịn vào em cùng nhau nương náu/ Đồng hành giữa nhịp sống muôn màu tràn hương sắc/ Củ sắn, đọt khoai, củi khô, quả bắp/ Dìu nhau vượt qua cái đói nghèo/ Ta vịn vào em thấy cuộc sống đẹp tươi/ Em trên lưng cho nét dân tộc sáng ngời huyền thoại”.

 

Nhà thơ Trần Nguyệt Ánh cũng là nhà giáo với hơn 20 năm trên bục giảng ở một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Chị thường xuyên tiếp xúc với số đông con em các dân tộc thiểu số, thấu hiểu sâu sắc những khó khăn vất vả và những thiếu thốn các em cần bù đắp, những giấc mơ ngủ vùi cần được khai sáng. Tập thơ “Vọng núi” như tiếng vọng, hướng con người về cội nguồn, gốc rễ với những giá trị nhân văn sâu lắng, từ đó thắp sáng ước mơ, khát vọng của mỗi người.

“Tiếng đàn Chapi đi tìm giấc mơ/ Theo ngọn gió vút cao đỉnh núi/ Mơ hạt lúa đầy bồ, hạt cà phê tròn mẩy/ Ché rượu cần ngọt thơm mùi nếp rẫy/ Ánh mắt Tây Nguyên nồng ấm ân tình/ Giấc mơ nảy mầm từ đất cổ bazan!”. Từ những giấc mơ nhỏ nhoi, mơ lúa đầy bồ, hạt cà phê tròn mẩy, những “Giấc mơ nảy mầm từ đất cổ bazan”... là giấc mơ của mảnh đất, con người Tây Nguyên. Cả những giấc mơ của con trẻ, cho dù phải đi qua những mùa giáp hạt đói khát, vẫn luôn được nuôi dưỡng bằng ánh mắt ân tình của cha, của mẹ.

“Ngày đã cạn/ Thu trôi trên cánh đồng giáp hạt/ Tuổi thơ con lấm lem mùi rơm rạ/ Chiều nay bão chạy dọc cánh đồng/ Tấm lưng mẹ uốn cong cả hoàng hôn/ Tảo tần ngược xuôi cho đời con thơm thảo!”. Hình ảnh “Tấm lưng mẹ uốn cong cả hoàng hôn” là một hình ảnh rất thơ, là một điểm sáng trong tập thơ. Ta thấy hình ảnh người mẹ lưng còng cõng nắng, được ví von lưng mẹ uốn cong cả hoàng hôn. Nhà thơ Trần Nguyệt Ánh sử dụng biện pháp ẩn dụ, ca ngợi đức hy sinh lớn lao của người mẹ. Một bức tranh nghệ thuật khơi gợi tư duy hình tượng, không chỉ tạc vào trời đất hình ảnh người mẹ Tây Nguyên mà là người mẹ chung, người mẹ đất nước vĩ đại có giá trị xuyên thời gian. Nơi ấy, những đứa con được sinh ra, lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, được tắm gội trong dòng sông nhân nghĩa. Hơn ai hết, những người con ấy cũng cảm nhận sâu sắc công cha, nghĩa mẹ tận sâu thẳm trái tim mình.

“Chiều bên dòng Krông Ana/ Con dựa vào lòng sông mẹ/ Lắng nghe nước chạy dọc tim mình/ Dòng sông tình yêu từ lòng Cư Yang Sin bất tận/ Cùng hòa nhập vào dòng sông cha/ Dáng mẹ hiền hòa”. Từ đó: “Con tự vẽ cho mình một đường bay/ Vẫy vùng trên bầu trời nhân nghĩa/ Cất cánh với ước mơ rộng mở...”.

Tập thơ "Vọng núi" của nhà thơ Trần Nguyệt Ánh là tập thơ đầu tay viết theo thể thơ 1-2-3, chắc chắn phải có sự đánh giá, thẩm định của các nhà chuyên môn. Tôi là một người yêu thơ chỉ đọc, cảm nhận, nhìn tập thơ ở một góc nhỏ, còn nhiều bài trong tập viết về muôn mặt cuộc đời sinh động, lôi cuốn. Theo cảm nhận của tôi, dù nhiều bài trong tập có cảm giác vẫn nặng về tả, câu thơ còn thô cứng, song đây vẫn là một sự sáng tạo trong thơ đáng ghi nhận!

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.