Multimedia Đọc Báo in

Đọc “Tri Tân tạp chí”, biết thêm Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk ngày ấy...

09:40, 27/06/2022

Mới đây, tôi may mắn được TS. Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, một người bạn thân thiết tặng cuốn sách “Tinh hoa du ký trên Tri Tân tạp chí” do anh và PGS-TS. Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và tuyển chọn.

Trong cuốn sách này có bài “Buôn Mê Thuột - Lữ ký của Trần Huy Bá”(1) - một ghi chép về Buôn Ma Thuột đăng trên Tạp chí Tri Tân tháng 7/1942. Bài ghi chép này là một nguồn tài liệu quý, cho ta biết thêm cảnh quan, đời sống kinh tế, văn hóa... Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk cách đây trên 80 năm với nhiều chi tiết sinh động, thú vị.

Lữ ký của Trần Huy Bá được in trên ba kỳ tạp chí Tri Tân từ số 53 đến số 55, gồm 10 trang in, khổ giấy 20x26 cm, khá dài. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin lược kể lại một số chi tiết mà theo tôi là mới, lạ, thú vị.

 

Theo bài lữ ký, tác giả xuất phát từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột vào một chiều “hạ tuần tháng hai tây”, từ ga Hà Nội bằng tàu hỏa tốc hành, đến ga Ninh Hòa vào lúc 9 giờ đêm hôm sau, nghỉ trọ ở đó, sáng hôm sau mới mua vé xe đưa thư từ Nha Trang chạy qua để lên Buôn Ma Thuột. Đường lên Buôn Ma Thuột bấy giờ gọi là đường 157, là con đường độc đạo, hẹp, hai xe ô tô đi ngược chiều không thể tránh nhau. Vì thế xe từ dưới lên tới “đồn M’Đrắk” thì phải dừng ở đây để “nhà chuyên trách khám giấy thông hành. Nếu ai không đủ hình thẻ giấy má thì đừng hòng bén mảng đến Ban Mê Thuột”; đồng thời cũng là nơi để cho xe tránh nhau. Xe từ Buôn Ma Thuột chạy xuôi, hay xe từ Ninh Hòa chạy ngược lên đều phải dừng ở đây để nghỉ ngơi và lấy chỗ tránh. Bấy giờ “Xe vào ba cái, xe ra ba cái. Vì đường độc đạo và hẹp bề ngang, nên đều phải tránh nhau ở chỗ đó. Xe nào tới sớm cũng phải nghỉ để đợi cho đủ các xe khác ở trong ra, mới được phép đi”. Qua những chi tiết đó ta thấy rõ thời ấy đường ô tô Ninh Hòa - Buôn Ma Thuột rất hẹp, có lẽ chưa đầy 3 m và số lượng xe ô tô cả hai chiều lên xuống mỗi ngày chỉ có 6 chiếc.

Đèo Phượng Hoàng thời ấy được tác giả mô tả là “ngoạch hơn chữ chi, hết mé núi này đến mé núi kia, hai bên toàn rừng rậm, non cao, tuyệt nhiên không thấy bóng người. Cứ ở núi nọ ngoạch sang núi kia xe lại phải qua một cái cầu bắc toàn bằng thân cây gỗ ghép lại. Khi sắp tới cầu, xe phải lao mình xuống dốc. Ngồi trong xe tưởng như sắp bị đập mình vào quả núi sừng sững chắn ngang; lại tưởng tượng như mình sắp sa xuống hố. Mỗi lúc qua cầu là một phen mất vía! Qua cầu rồi xe lại bò lên dốc một cách uể oải khó khăn, vì cái ngoẹo chữ chi liền ngay đầu cầu lên dốc. Nếu tay lái non thì có lẽ cả ngày chỉ đâm xuống suối! Đôi lúc ngó lại con đường mình vừa đi qua lúc nẫy nó lại hiện ra ở dưới bực xe: thật là luẩn quẩn!”. Nhưng trên quãng đường rừng này thỉnh thoảng tác giả lại thấy “kia, một đàn công đang nhởn nhơ trước mặt, bỗng cất cánh bay ào vì thấy xe đến. Nọ, đàn khỉ độ vài trăm con, già, trẻ, lớn, bé đang đùa nghịch ở giữa khúc đường, vội bồng con cút thẳng, vì nghe có còi xe toe... toe... Này, một vài con gà rừng nghển cổ, thấy bóng người vội vàng lẻn vào rừng. Đấy kia, đống phân voi sù sụ giữa đường như hình cối đá”. Chỉ đoạn mô tả ngắn này thôi đủ cho ta thấy đường đèo Phượng Hoàng thuở ấy hiểm trở, nguy hiểm đến mức nào; nhưng đồng thời, cũng cho ta thấy ngày ấy rừng ở đây còn rậm rạp mênh mông, muông thú còn nhiều đến mức “kinh ngạc”; và rồi ngẫm về rừng hôm nay ta không thể không tiếc nuối...

Xe xuất phát từ Ninh Hòa lúc 7 giờ sáng, nhưng phải 5 giờ chiều mới tới Buôn Ma Thuột. “Xe vừa dừng bánh đã thấy một bác lính ta, mặc áo nẹp đỏ viền vàng, chân quấn xà cạp trắng, tay cầm cái roi mây to tướng, đầy oai phong... lần lượt hỏi giấy má một lần nữa”. Bấy giờ chỗ gọi là “bến xe” Buôn Ma Thuột không có bất cứ một thứ dịch vụ nào, tác giả kể: “Đương khi lúng túng thì vừa trông thấy một ông cụ người Nam, mặc toàn đồ đen, đầu đội cái nón, tôi vội vã hỏi thăm nơi trọ. Cụ nói cho tôi hay rằng: Nếu thầy vào đây mà không quen biết một ai thì sự đi tìm nhà trọ cũng khá khó đấy! Hay thầy tới khách sạn Tây, nhưng mà mắc lắm! Vậy, để tôi nghĩ xem ở phố An Nam ta đằng kia may có nhà ai hay chứa khách trọ thì thầy lại đó tiện hơn...”. Nhờ sự giúp đỡ của ông cụ, tác giả Trần Huy Bá đã được ở nhờ nhà một người tên là Kế. Đêm đó ông Kế kể cho tác giả hay: “trước đó mấy năm máy đèn, máy nước chưa có, mà phố xá thì thưa thớt vắng teo chỉ lọt đọt vài ba hiệu khách(2) với mấy nhà người Nam, toàn người có công việc cần thiết phải ở tỉnh này, ngoài ra đều là người Rhade’ ở cả. Nếu mình không quen biết mà tới tỉnh này, dù túi sẵn tiền cũng phải nhịn đói nhịn khát vì không có lấy một hàng cơm, hay một nhà trọ... Trái lại mấy năm gần đây nhờ sự mở mang săn sóc của các nhà cầm quyền tỉnh lỵ dần dần trở nên sầm uất, người mình đã chịu đưa nhau đến đây buôn bán: từ con cá đến mớ rau, ở ngoài Nha Trang có gì thì ở đây cũng có cả. Thậm chí có người thuê ô tô mang từng xe gạch ngói vào tận đây để xây dựng cửa nhà. Các đồ vật liệu nhất nhất đều phải từ Nha Trang vào cả, giá đắt gấp ba, cho nên nhà cửa ở đây phần nhiều phải làm bằng gỗ, chung quanh dựng ván, trên lợp bằng nứa hay gianh. Dưới đất hãy còn cát đỏ mấp mô. Ta đi giày dép nếu vô ý sẽ xúc vào đầy cát đỏ. Trừ ra mấy phố chính vỉa hè đã xây, đường đã rải nhựa và đèn điện, máy nước đã có; còn các phố khác thì vẫn sơ sài. Chưa được mấy nhà bằng gạch, nên cũng không lấy gì làm khả quan lắm!”.

Ngày hôm sau tác giả Trần Huy Bá đi dạo phố thì thấy “Phố xá vắng vẻ, tuyệt nhiên không có một cái xe kéo, cả đến hàng giải khát cũng không! May cho tôi lúc đi lại mang cái thermos(3) nước đầy, cứ một quãng đường lại phải dừng chân uống nước. Bồ hôi chảy ra như suối. Thỉnh thoảng lại bị một cơn gió lốc cuốn tung cát đỏ bay vù, làm cho cổng gạch, nhà sàn, lá cây, ngọn cỏ đều phủ đầy một màu gạch non. Nhìn đến mình, thì từ đầu đến chân đã hóa thành một người mặc quần áo nhuộm son đỏ ngòm. Đi hết một vài phố chính quanh ra phố chợ thấy năm ba hiệu khách: họ cũng bán đủ thứ. Đến như người Nam mình cũng được mươi lăm hàng như hiệu thuốc tây, hiệu chụp ảnh, hiệu may, hiệu cắt tóc và vài hiệu cao lâu, coi vẻ cũng ra chiều phồn thịnh”. Chỉ mấy giờ đi dạo phố mà khi về nhà trọ gội đầu, rửa mặt tác giả “thấy thau nước đang trong bỗng trở nên đỏ ngầu như nước sông Nhị Hà về mùa nước lớn”. Sau bữa cơm chiều, tác giả “muốn tìm nơi giải trí nhưng chớp bóng không có, nhà hát cũng không, đành trở về ngủ cho lại sức”. Trong bài lữ ký này còn có những đoạn ghi chép về nhà dài ở “xóm sông Y Say(4)”, có những nhà dài “dài đến 200 thước”, cùng những mô tả về cầu thang, cấu trúc của của nhà và nội thất trong từng gian, cách bố trí bếp lửa... khá chi tiết. 

Đọc bài lữ ký này ta biết thêm một phần về Buôn Ma Thuột cách đây hơn 80 năm; biết thêm con đường Ninh Hòa - Buôn Ma Thuột và cảnh quan rừng núi hai bên đường ngày ấy. Qua đó, ta hiểu sâu sắc hơn cái giá của sự thay đổi và phát triển mà hôm nay ta đang có; từ đó, ta càng biết yêu thêm và biết gìn giữ, vun đắp cho Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk hôm nay.    

Đặng Bá Tiến

(1): Tác giả Trần Huy Bá (1901 - 1987) là cộng tác viên của tạp chí Tri Tân. Ông là nhà Hà Nội học, khảo cứu mỹ thuật, văn hóa, lịch sử.

(2): Hiệu khách là cái tiệm của người Hoa.                     

(3): Thermos là cái bình nước.            

(4): Không rõ địa danh này ngày nay thuộc phường xã nào của Buôn Ma Thuột.   


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Với người làm báo
09:38, 27/06/2022
Tháng sáu ai về…
09:38, 27/06/2022
Đêm mùa hạ ở quê
09:32, 27/06/2022
Ai cà rem không?
09:38, 25/06/2022
Di sản làng
09:37, 25/06/2022
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.