Khúc tâm thi tưởng niệm
Nhắc đến những tác phẩm hay, nổi bật trong thi ca hiện đại viết về đề tài liệt sĩ, hẳn nhiều người không quên một tác phẩm độc đáo và nổi tiếng của đại tá quân đội, nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Quý được lấy cảm hứng từ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở miền quê Quảng Trị.
Bài thơ đoạt giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 (không có giải Nhất) và đã được ba nhạc sĩ: Phạm Tuyên, Văn Chừng, Võ Thế Hùng phổ nhạc. Đó là bài thơ “Khát vọng Trường Sơn”.
Thông thường khi làm thơ, việc sử dụng từ ngữ trùng lặp là điều tối kỵ. Chuyện dùng điệp từ điệp ngữ, nếu có thì phải xuất phát từ ý đồ nghệ thuật và phải thích hợp với ngữ cảnh mới có thể mang lại hiệu quả, nếu không thì coi như câu thơ, đoạn thơ, thậm chí cả bài thơ đều hỏng. Vì vậy việc sử dụng biện pháp này được các nhà thơ cân nhắc. Mặt khác, việc dùng từ ngữ chỉ số lượng cũng không thể tùy tiện, nhất là khi lặp lại dễ gây cảm giác “toán học” có vẻ nặng nề, không còn thi vị.
Nói thêm vậy bởi cả bài thơ của Nguyễn Hữu Quý, đọc lên hầu như chỉ nghe toàn con số, lại là con số cứ láy đi láy lại. Đây quả là một thử thách không nhỏ đối với các nhà thơ trong quá trình sáng tạo thi ca.
Sau hai câu mở đầu không có con số, còn lại toàn bộ bài thơ liên tục xuất hiện điệp ngữ “mười nghìn” như một điệp khúc vang lên tưởng chừng không dứt: “Nằm kề bên nhau/Những nấm mộ giống nhau/Mười nghìn bát hương/Mười nghìn ngôi sao cháy/Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/Mười nghìn trái tim treo ở đầu nguồn/Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn/Mười nghìn đôi tay mở rừng xẻ núi/Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm/Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều”…
Mười nghìn liệt sĩ đó là con số (làm tròn) ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm ở huyện Gio Linh (Quảng Trị). Đó là con số quá ấn tượng khi nói về một nghĩa trang, hơn thế, là nghĩa trang liệt sĩ. Những người nằm lại đây là một vạn nghĩa sĩ trận vong, anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Cụm từ “mười nghìn” đã thành “chìa khóa” để nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tạo dựng bài thơ vừa có sức khái quát cao lại vừa có những biểu cảm ấn tượng, cụ thể của những số phận khác nhau, chỉ giống nhau ở một điều lớn lao, cao cả: Họ đã xả thân vì độc lập, tự do và cùng về an nghỉ một nơi chốn vĩnh hằng.
Từ đó, nhà thơ liên tưởng: “Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão/Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh/Mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng/Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh/Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi/Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi/Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng”…
Cứ thế nhà thơ dẫn dắt cảm xúc người đọc đến với sự sẻ chia đau đáu, đến với niềm ngưỡng vọng khôn nguôi với những người đang nằm dưới mộ. Phải có một thi pháp vững vàng mới có thể làm chủ được một đề tài lớn về tâm linh, khiến người đọc không mệt mỏi, nhàm chán, mà trái lại được tiếp nhận những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo và tươi mới, được “ngộ ra” từ một cách nhìn đầy phát hiện của thi ca về liệt sĩ.
Đó không chỉ là sự đếm thông thường, dù ở mức ấy thôi cũng đã lay động trái tim, mà cao hơn là những khắc khoải vừa rất thực, rất đời thường của mỗi số phận nằm trong vạn nghìn số phận, lại vừa lung linh, nhói buốt trước lớn lao, kỳ vĩ: “Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần/Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn/Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa…”.
Nhưng sự hy sinh và cả nỗi đau, cả niềm ngưỡng vọng không chỉ là ngần ấy, dù bản thân những điều vừa nói cũng đủ cho một tượng đài bất hủ. Để có được một nước non toàn vẹn còn vô vàn nỗi đau và khát vọng không chỉ nằm lại ở nghĩa trang. “Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa/Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/Mười nghìn cô quạnh lang thang cõi rừng…”.
Và câu cuối như một nỗi xót xa đằng đẵng, như một lời nguyện cầu, mong mỏi của người Việt, dù còn sống hay đã thành người thiên cổ: “Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!”.
Bài thơ này thành công bởi sự chân thành, sâu sắc và tài năng của người viết. Tác giả đã tìm được “chìa khóa” để khám phá và sáng tạo từ tứ thơ độc đáo được thể hiện bằng một ngôn ngữ vừa cá thể hóa lại vừa khái quát hóa, cách nói vừa thực lại vừa ảo, tạo nên ấn tượng mạnh và lâu bền trong lòng người đọc.”Khát vọng Trường Sơn” của nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Quý như một nén tâm hương nghệ thuật cháy thao thiết giữa đất trời lồng lộng, ru vạn hồn ai ở chốn vĩnh hằng…
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc