Multimedia Đọc Báo in

Về lại thiên đường…

08:55, 17/07/2022

Buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ, nắng đã lên cao trên mái nhà, xuyên qua vòm lá lấp lánh, tiếng mấy chú khướu hót ríu ra ríu rít.

Một ngày mùa hạ hiếm hoi với thời tiết dễ chịu, gió nhè nhẹ thổi mát lạnh làm người ta có cảm giác như đang sống giữa mùa thu. Bao bận đi rồi lại về, ngôi nhà ngói ba gian gần hai mươi năm trú ngụ, niềm thương nhớ dường như vẫn tròn đầy, chẳng thể nhòa phai. Mẹ nói, quê nhà mùa hạ đẹp tựa như một thiên đường. Con cười khúc khích nhìn mẹ rồi nhìn thiên đường mùa hạ lấp lánh.

Mấy cây mãng cầu trồng cạnh sân đợt này rụng lá nhiều quá thể, sáng nào mẹ cũng lụi cụi quét lá nhưng đến chiều lại thấy lá rụng đầy sân. Đây có lẽ là đợt rụng lá cuối cùng trong năm để cây chuẩn bị ra đợt lá mới, rồi ít tháng nữa nó ra hoa kết quả. Quét sân xong, mẹ đến thềm giếng múc nước cho vào thùng và lần lượt đi tưới cây. Mẹ tính độ ba, bốn tháng nữa thì cây sẽ cho quả, nhắc con nhớ về ăn. Rồi mẹ lại bồn chồn nhớ tới đám cháu ở phố thị, đã lâu rồi chưa được về thăm quê. Anh chị bận công việc, dù đã nghỉ hè nhưng chẳng có ai đưa chúng về. “Ở phố liệu chúng có ngột ngạt không?”… Mẹ già lo lắng, hết con rồi lại tới đám cháu… Mẹ tính ít hôm nữa ra vườn hái xoài, đóng hộp gửi xe lên cho cháu, mặc dù đám con luôn ngăn rằng trên phố chẳng thiếu thứ gì đâu, cũng bởi một lẽ lo mẹ già vất vả, lụi cụi lách cách.

Minh họa: Trà My

Bên trong cửa sổ, con nằm ườn dài mặc kệ nắng chờn vờn khắp cơ thể, làm lóa cả mắt. Thoáng thấy bóng mẹ già cỗi khom lưng, cầm chiếc rổ tre bé xíu xiu hái từng ngọn dền cơm, rau sam, rau càng cua… Mẹ nói vọng vào, tiếng nói ấm áp yêu thương, trưa nay sẽ nấu canh rau tập tàng. Có sẵn hũ cà muối trong chạn bếp đã đến độ giòn chua. Bữa cơm chưa diễn ra nhưng trong đầu con đã tràn ngập hình ảnh bát canh rau xanh mát, ngọt lành. Húp một ngụm canh, cắn một quả cà giòn rôm rốp trong miệng mới đã làm sao. Lớn lên đi xa, có cơ hội thưởng thức những món ngon vật lạ nhưng vẫn không món nào bằng món ở quê hương, món từ tay mẹ nấu. Mẹ khoát tay, kêu con ra vườn thăm mấy dây bí rợ đang trổ bông vàng ươm. Những chú ong mật cần mẫn bay hút mật vù vù khắp vườn khiến cho khung cảnh thật thơ mộng. Chúng chẳng sợ tiếng nói cười của hai mẹ con, như thế chúng biết từ lâu khu vườn là nơi an toàn để chúng hằng ngày tới hút mật.

Những quả xoài buông thõng lúc lỉu, những trái khế ngả màu vàng tươi trên cao mời gọi. Thiên đường mùa hạ là đây chứ đâu. Con lại nhớ ấu thơ cùng đám bạn dưới gốc cây xoài chơi trò dân gian, ăn miếng xoài chua ngấu nghiến đến là ngon lành. Gốc xoài năm xưa vỏ xam xám, có vài nốt sần, u cục nổi lên. Con sờ chúng, chạm phải dòng ký ức tuôn trào. Bụi thời gian phủ lấp, tháng ngày cứ trôi đi lặng lẽ. Nghe đâu đây tiếng cười khúc khích của lũ bạn, cả tiếng khóc ấm ức khi không may rơi tọt từ cành xoài xuống. Hồn nhiên chúng con bỏ lại, đứa nào cũng lên phố thị mưu sinh.

Buổi chiều, con chạy bộ ra đê, những cánh diều chấp chới bay cao trên bầu trời gió lộng. Các bạn nhỏ được bố mẹ dìu dắt, hướng dẫn thả từng con diều rồi cười khúc khích. Mùa hạ luôn khiến con nhớ về khoảnh khắc năm xưa, cùng chúng bạn quên ngày quên tháng đi thả diều, thi xem diều của đứa nào cao nhất. Giấc mơ ngày ấy bay cùng cánh diều của những đứa trẻ tóc vàng hoe, chân lấm bẩn bùn đất vẫn còn vẹn nguyên. Tuy rằng giờ đây mỗi đứa một nghề nghiệp, sống một phương trời nhưng khoảng trời cùng sống với nhau ngày ấy thực sự là thiên đường.

Hôm nay về lại thiên đường con thấy mình thật đủ đầy và hạnh phúc. Đủ đầy vì có một mái nhà để trở về bất kể lúc nào. Hạnh phúc vì có tháng ngày tuổi thơ tươi đẹp. Mắt con lại nhòe ướt, đang ở chốn xưa mà nỗi nhớ về chốn xưa cứ bời bời da diết…

Đào Thanh Tùng


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Thì thầm với quê
08:54, 17/07/2022
Về thăm nhà...
10:37, 09/07/2022
Mị ơi!
10:37, 09/07/2022
Những mùa gió đi qua
06:29, 03/07/2022
Hạ cuối
06:29, 03/07/2022
Bừng trong mắt hạ
06:28, 03/07/2022
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.