Hồn dân tộc đọng trong câu chữ
"Nàng H’Ly” chỉ hơn 100 trang in chữ nhỏ, dung lượng vừa phải, gói trọn cuộc đời của nàng H’Ly.
Nhân vật không nhiều. Trước hết là H’Ly, cô gái người Êđê ở buôn Kroa. Nàng có chồng là Y Xưa, một người chồng nát rượu, vô tích sự, khi say chỉ biết hành hạ vợ. Có đứa con tên là Y Nay sau này chăm chỉ, thay mẹ chăm sóc rẫy cà phê. Một nhân vật đáng chú ý là viên cố vấn Mỹ, đại tá Éc Khard – Clausend cố vấn trưởng của Quân đoàn 2.
H’Ly có người cha từng rải truyền đơn, kéo cờ giải phóng dịp Tết Mậu Thân 1968, một lần đi rẫy bị lính Mỹ bắn chết. H’Ly đau đáu tìm lời giải về cái chết của cha vì một viên đạn AR15 nào đó. Đúng 7 giờ ngày 7 tháng 7, cha đi rẫy một mình. Cha đang rình đàn chim ăn lúa, không ngờ phía triền suối có một toán lính Mỹ đi ngược về hướng rẫy, thấy cha, họ bắn. Cha nấp về một lùm cây. Họ nghĩ cha là du kích. Họ bắn thả rông một loạt và rồi từng viên, cha thấy máu chảy ướt vùng bụng, cha nằm xuống. Họ đi qua, cứ nghĩ cha đã chết, liền đổ vào miệng cha một nắp bi đông nước, lấy một tấm vải dù đắp choàng qua người. Năm ấy, còn một học kỳ nữa là con thi tú tài. Chẳng có ai ở rẫy. Mẹ còn đi làm thuê ở một quán ăn ở gần phi trường. Chẳng có ai biết. Mãi đến chiều, không thấy cha về, mẹ ra rẫy và phát hiện thi thể cha, kiến đã bò kín hai hốc mắt. Bà mẹ của H’Ly sau đó cũng qua đời. Người chồng nàng cũng mất vì bệnh ung thư gan dù đã phải bán rẫy để chữa chạy. Đau đớn nào hơn khi mất người thân, dù người đó có nhiều tật xấu. Nội tâm được Bùi Minh Vũ khai thác ngày Y Xưa về với ông bà: “Những giây phút ngắn ngủi sẽ mãi mãi không trở lại. Anh nằm trên đất mẹ, đất cha. Những giọt sương trong veo như rượu rắc lên mộ và ánh trăng vàng như tấm đắp hoa choàng qua nhà mồ. Đứng bên nấm mộ, em không thể nào ngẩng đầu, không thể nào mở mắt để đếm hết bao nhiêu người đưa tiễn, trong đó không thiếu những bạn từng uống rượu với anh ở buôn gần, buôn xa. Em đưa hai tay rã rời ôm mặt, nước mắt lưng tròng. Một đám mây bay qua, ngỡ trời chuẩn bị mưa, nhưng nhìn kỹ đó là cái ô. Có một tiếng nói, em nghe mơ hồ vọng lại:
Thôi, H’Ly, về đi cháu”.
Rẫy đã bán không còn kế sinh nhai. H’Ly bỏ học, không thi tú tài toàn phần, dù học giỏi. Nhiều người can ngăn nhưng H’Ly không nghe, tìm tới vũ trường Trăng Xanh, cũng là định mệnh nên H’Ly gặp tên cố vấn Mỹ. Rồi cái gì đến sẽ đến. Từ việc mua vé vào vũ trường, uống cô-ca, tặng nhẫn kim cương rồi thuê nhà ở, đi các nơi du hí, rồi sa bẫy lưới tình. Ẩn ý trong chuyện của Minh Vũ là kẻ thù đã giăng bẫy bằng đô-la mà Mỹ thì có sẵn.
Dù H’Ly đau đáu câu trả lời: viên đạn AR15 bắn chết cha mình mà vẫn thành nhân tình của viên cố vấn. Bi kịch là thế! Viên cố vấn tử nạn khi thị sát chiến trường ở Plây-Cu chưa phải là kết thúc. H’Ly có thai sinh ra thằng Mỹ con mà ngón chân có bảy đầu con rắn, coi như nghiệp chướng. Đó là đứa bé sơ sinh đã mất coi như giải thoát cho H’Ly. H’Ly trở về buôn làng, chăm lo rẫy nương, tìm lại nguồn cội để có niềm vui quãng đời còn lại. H’Ly tìm gặp chủ tịch Hợp tác xã Thống Nhất xin làm công nhân, chăm sóc 7 sào cà phê, đóng góp nhiều về kỹ thuật. Cuộc tình với anh chủ nhiệm phần nào bù đắp cho H’Ly. Trên môi H’Ly đã có nụ cười. Âm thanh tiếng chim hót trên ngọn cây, hòa niềm vui của lòng người: Ngày mai người ta hát/ Ngày mai người ta vui/ Ngày mai người ta khác/ Ngày mai người ta vui… cứ lặp đi lặp lại.
Có một chi tiết mà ít người để ý, đó là đặt tên cho hai bố con là Y Xưa và Y Nay. Cái xưa cũ ra đi để cái mới phát triển khỏe mạnh. Cái Xưa về với ông bà để cái Nay thành chồi, thành cây được vun trồng trên mảnh đất đại ngàn. H’Ly mất nhưng ngọn lửa đam mê truyền vào Y Nay: “Mỗi phút trôi qua, Y Nay thấy lòng nặng như chì, nhưng trong đầu chợt lóe lên ý nghĩ: Phải chăm sóc vườn cà phê này như bài học nâng cao. Chẳng còn ai trong gia đình để nương tựa. Bà, ba, mẹ đã rủ nhau đi lên núi ngắm trăng vàng. Còn mình ta đi ngắm nắng. Những khi nhìn trái chín như nắm bài toán được điểm mười, những lúc đi ra vườn, như vui nhộn bước vào lớp, gặp ông chủ nhiệm như gặp người thầy. Đó là niềm vui trước mắt Y Nay chọn lựa trong cuộc đời này”.
Là người sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian nên Bùi Minh Vũ đưa các bài khấn, kể khan phù hợp, nhuần nhuyễn. Đây là lời khấn của H’Ly đi tìm manh mối cái chết của cha: Con gọi bảy lần/con khóc bảy lần/Đất có thể rung/ Trời có thể chuyển/Lòng người có thể thay/Con vẫn gọi/Ơ Yang!
Số 7 là số đếm cực dương của người Êđê nên Bùi Minh Vũ sử dụng nhiều: 7 sào cà phê, 7 bông hoa, 7 quả đa, 7 ngón chân hình đầu rắn, quán rượu cách nhà 170 m, 7 ống cơm lam, 7 bộ quần áo, bảy trăm đồng tiền, người cha mất 7 giờ ngày 7 tháng 7… Nhiều số 7 người đọc vẫn chấp nhận. Nhưng bảy mươi ngàn bước chân đến vũ trường Trăng Xanh thì khiên cưỡng. Bùi Minh Vũ có phần lạm dụng các bài khấn, lời nói vần… Đưa vào tiểu thuyết vài chục trang in là quá nhiều. Nếu không kiên trì chịu khó theo dõi thì khó đọc, vì mạch chuyện có vẻ rời rạc. Ngay tác giả cũng tự nhận và biện minh cho kết cấu của mình, đối đáp như lời tự sự:
Cốt truyện thế nào?
Rời rạc!
Nguồn cảm xúc và bút pháp nào em chọn?
Lồng ghép!
Kết cấu?
Xáo trộn, đứt rời!...
Thủ pháp nghệ thuật của tiểu thuyết là thế. Có hư ảo, đan xen giữa mơ và thực, sợi dây liên kết để người đọc phải theo dõi từ đầu đến cuối.
Thành công của tiểu thuyết là tình yêu vùng đất và con người Êđê.
Tiểu thuyết đậm đặc hồn dân tộc trong từng câu chữ!
Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc