Multimedia Đọc Báo in

“Mùa biến thái” - Nỗi ám ảnh về đại dịch COVID-19

06:30, 14/08/2022

Với quan điểm “là văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm với thời cuộc”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng trước những vấn đề nóng bỏng trong đời sống, anh luôn cất tiếng nói thể hiện thái độ của người viết trước thời cuộc.

Trong 2 năm khi đại dịch COVID-19 hoành hành cùng với bão lụt, thiên tai liên tiếp xảy ra, Nguyễn Quang Hưng đã xuất bản các tập thơ “Mùa biến ảo” (2020), “Mùa biến động” (2021), “Nguyễn Quang Hưng 68” (2021). Mới đây, anh tiếp tục trình làng tập thơ với tựa đề “Mùa biến thái” (NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2022), thể hiện góc nhìn gai góc mà chân thật về sự thật tàn khốc của đại dịch COVID-19.

 

Độc giả bị cuốn hút ngay với tựa của tập thơ “Mùa biến thái” – cái tên có phần chế giễu, mỉa mai, làm tăng sự tò mò về nội dung sẽ được nhắc đến. Tập thơ được chia thành 4 phần chính với 49 bài thơ gồm: “Luận tội virus”, “Đất đai tai biến”, “Mình ở đâu” và “Chờ thiên điểu”.

Ở phần “Luận tội virus” là những bài thơ tái hiện lại khung cảnh những ngày tháng toàn xã hội phải giãn cách, cách ly, bị phong tỏa… - một trong những trải nghiệm khó quên và nhiều ám ảnh. Đó là những ngày bất cứ một ai đều phải cố gắng nhớ từng chi tiết mỗi ngày mình đi đâu gặp ai bởi chẳng biết lúc nào mình trở thành F0: “Bây giờ ngồi đây đối diện mặt giấy/ Ghi lại tiếp xúc cặn kẽ/ Lịch sử một phần mình một rừng người/ Hoang mang mê cung bệnh án/ Tôi lây ai ai đã nhiễm/ Tôi bắt đầu từ đâu bây giờ” (Lịch sử tiếp xúc).

Đó còn là nỗi sợ khi thông tin số ca bệnh mỗi ngày tăng lên, liệu khi nào đến lượt mình: “Tôi có không mang bệnh/ Nhà bên cạnh có không ủ bệnh?/ Chỉ có thể chưa nhiễm mà thôi/ Hay triệu chứng chưa đâm ra ngoài?/ Không dám ngủ sợ mình thủng phổi” (Mưa  khô mùa dịch).

Đến với phần 2 “Đất đai tai biến”, Nguyễn Quang Hưng coi những tai ương của tự nhiên, dịch bệnh như là những mùa mới, đó là “Mùa đột biến”, “Mùa biến”, Mùa biến dị”, “Mùa biến thái”. Cuộc sống đang bình thường bỗng nhiên một ngày: “Chỉ sau một hơi thở/ Đã thành một con bệnh/ Có người đến đưa đi/ Chưa biết trước ngày về” (Mùa đột biến). Đại dịch COVID-19 được nhà thơ ví như một bộ phim kinh dị dài tập, cả nhân loại bị bắt làm diễn viên. Trong mùa biến này bao gồm đủ thứ biến, con người trở nên khao khát được sống bình thường hơn bao giờ hết, để chiến thắng với "kẻ thù" vô hình tàn khốc này chỉ còn cách: “Đeo khẩu trang/ Rửa tay/ Giữ khoảng cách/ Cố gắng ở nhà khi không thể không ra ngoài/ Trước khi phổi có thể bị chọc thủng/ Trước khi mình có thể chọc thủng phổi ai đó” (Một cách minh chứng lòng tốt).

Trong phần 3 “Mình ở đâu” là những bài thơ chất chứa tự sự của tác giả với sự hy sinh của những người bạn, đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên, những người ở tuyến đầu chống dịch cho đến những người dân thường trong trận chiến cam go với COVID-19. “Thì vào sắc nhọn hiểm nguy/ Để cho lành lại những gì tổn thương/ Nhớ câu nhiễu phủ giá gương/ Trong cơn dịch dã chung lưng một lòng” (Xanh trắng lương y). Qua cơn đại dịch người còn người mất, sự sống thật mỏng manh. Mừng vui vì mình còn may mắn giữ được hơi thở, rồi tự dặn mình sống sao cho thật ý nghĩa với sự may mắn này: “Âm âm như tiếng linh hồn/ Giật mình xem biết ai còn ở bên/ Thì nâng giữ mà lên/ Cho người vẫn sống thật trên cõi người/ Nhớ ai đã mất đi rồi/ Mà chăm cho nở những lời hồi sinh” (Ai còn gọi ngoài đêm tối).

Khép lại “Mùa biến thái” là những cảm hứng hồi sinh với những bài thơ viết tặng những người bạn của tác giả, đó là khi: “Thì thôi thổn thức mà chi!/ Thế thời thôi cũng đến thì nguôi ngoai” (Đăm đăm khúc hát hồi sinh), rồi “Cả đêm bần thần ngồi trông thiên điểu/ Đợi nâng đôi cánh bay” (Chờ thiên điểu).

Với lối viết tự do, cách gieo vần, chơi chữ đặc biệt nhưng không quá hàn lâm nên độc giả dễ dàng nhớ và thấm. “Mùa biến thái” của Nguyễn Quang Hưng thật sự là một tập thơ đủ gây cho người đọc nhiều sự hấp dẫn, ám ảnh về những ngày tháng toàn cộng đồng gồng mình chống dịch COVID-19.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.