Hai bài thơ về sông Hương của vua Thiệu Trị và vua Tự Đức
Các vua triều Nguyễn thường hay làm thơ, trong đó có những bài thơ viết về sông Hương. Bài “Hương Giang hiểu phiếm” của vua Thiệu Trị được công bố trên báo năm 1916. Đây có thể là bài thơ của vua Thiệu Trị được in báo đầu tiên.
Bài thơ phiên âm như sau:
Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành,
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh.
Ba bình xuân thủy lung yên sắc,
Chu trục thần phong động lỗ thanh.
Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ,
Sơn hoa do luyến kết vận anh.
Kỳ hồi hà hiết thương lang khúc,
Song khuyết phương thăng thụy nhất minh.
Bài thơ tả một buổi sáng vua dùng thuyền ngự ngược dòng sông Hương dạo chơi lên phía thượng nguồn. Nước sông rất xanh, và trên mặt nước sông ban mai có nhiều bọt sóng trôi xuôi. Gió sông mát rười rượi, cây cành hai bên còn vương những giọt sương đêm, hoa rừng chúm chím nụ thẹn thùng trong sớm mai. Khung cảnh thật hữu tình khiến người dâng lên niềm cảm xúc. Bài thơ sử dụng nhiều phép ẩn dụ như “thiên tửu” là “rượu trời”, ở đây ẩn dụ cho sương mai. “Song khuyết” ẩn dụ cho cửa thuyền, nhìn qua “song khuyết” mà thấy ánh bình minh tỏa khắp cửa kinh thành…
Sông Hương (Huế). Ảnh: Ineternet |
Cụ Hồ Đắc Hàm, tác giả của cuốn “Hán học, tứ tự thành ngữ”, dịch thơ bài này như sau:
Sông Hương
Sông thẳm, nguồn sâu, bảo vệ thành
Dạo chơi tản sáng mát trời thanh
Nước trong gợn sóng lăn tăn bọt
Gió thoảng, đò đưa mái vỗ nhanh
Thiện nhị, tinh sương đẫm ướt cành
Hoa rừng e thẹn hé đài trang
Làm sao thưởng thức Thương lương khúc?
Ánh sáng bình minh tỏa cửa thành
Dù không chú thích, nhưng người đọc bản dịch cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông Hương qua ngôn từ khá dung dị, thậm chí dân dã, song khẩu khí mang tư duy và phong cách của đấng đế vương. Riêng câu “Kỳ hồi hà hiết thương lang khúc” được dịch là “Làm sao thưởng thức Thương lương khúc?” là nhắc lại điển tích “Thương lương khúc”, nói về một bài ca mang tên “Thương lương khúc”.
Năm 2008, bài thơ này được in lần nữa trong tập “700 năm thơ Huế” (Nxb Thuận Hóa), với bản dịch của Hải Trung như sau:
Buổi sáng thả thuyền trên sông Hương
Ôm lấy Kinh đô nước uốn dòng
Thả thuyền ban sớm nhẹ thong dong
Dòng xuân sóng lặng trùm hơi khói
Nhịp mái thuyền xuôi phủ gió rung
Cây cối vấn vương sương vẫn đảm
Cỏ hoa quyến luyến mây còn ngưng
Bao lâu nào rõ dòng chưa dứt
Đã thấy trời đông hửng ánh dương.
Câu “Kỳ hồi hà hiết thương lang khúc” được Hải Trung dịch thoát, và chú thích thêm: Nguyên văn “thương lang” dùng để chỉ sắc nước có màu xanh, không phải là “khúc hát thương lang” như một số tác giả đã dịch.
Hiểu thế nào về “thương lang khúc” trong bài thơ “Hương giang hiểu phiếm” là một vấn đề thú vị, đến nay còn tranh luận.
Bài thơ thứ hai là bài “Đêm trên sông Hương” của vua Tự Đức, do Nguyễn Văn Trình và Ưng Trình dịch, in trên B.A.V.H năm 1916. Bài thơ như sau:
Dạo cảnh đêm đông gió rét vừa
Sông Hương làn sóng gợn lưa thưa
Thuyền êm, gió thoảng, sao vừa sáng
Ai thấu tâm can của vị vua?
Xã tắc lòng ta đau khổ mãi
Ví chăng tìm được kẻ tài ba
Tay chèo lái giỏi con thuyền vững
Thanh thản qua sông ắt dễ mà.
Bài thơ đầy tâm trạng day dứt: “Xã tắc lòng ta đau khổ mãi”, “Ai thấu tâm can một vị vua?”… “Tay chèo lái giỏi con thuyền vững” là nhắc đến lời của Hoàng đế Võ Định thời nhà Thương nói với Thượng thư Phó Duyệt về vai trò của các quần thần tài giỏi trong việc trị nước, yên dân. Đất nước trước họa xâm lăng, phải cắt đất nhượng địa dần dần, vua đau xót, song cũng không biết nên làm gì. Tâm sự riêng mang ấy, trong một đêm lành lạnh trên sông Hương khiến nỗi niềm đấng quân vương càng dâng lên. Đọc bài thơ này, bất kỳ ai cũng liên tưởng đến “Khiêm cung ký” nổi tiếng của vua Tự Đức soạn năm 1871.
Trong Khiêm cung ký, vua tự Đức không ca ngợi những thành tựu trong trị vì đất nước mà luôn tự thấy dằn vặt, hổ thẹn vì chưa làm được nhiều điều cho dân, cho nước. Nhà vua luôn lo lắng mình không “kham nổi” trọng trách trước muôn dân. Vua dùng những từ như “rất đỗi mông muội”, “rất đỗi run sợ”, “chứ mình ta thì chẳng làm được gì”, “càng về sau ta càng bị chê bai, phỉ báng”… để nói về mình. Việc để các tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp khiến Tự Đức: “Chỉ còn biết nhìn nhau mà nuốt nước mắt, đành đắc tội với tông miếu và thiên hạ”. Vua tự chỉ trích bằng những lời nặng nề xót xa: “Không sáng suốt trong việc biết người ấy là tội của ta, dùng người không đúng chỗ cũng là tội của ta, hàng trăm việc không làm được đều là tội của ta cả…”.
Cách đây hơn hai trăm năm, một ông vua Việt Nam đem hết cái đúng (đúng thì nói ít), cái sai (sai thì nói nhiều) dàn trải trên một tấm bia đá, cho thiên hạ biết, thì là một người can đảm lắm mới làm được như thế, phải là một người trung thực lắm, mới viết được như thế. Đó là cái tâm, cái dũng, cái thật của vua Tự Đức.
Bài thơ “Đêm đông trên sông Hương”, với “Ai thấu tâm can của vị vua?” đã tỏ bày tâm trạng của vua Tự Đức mà phải sau này, khi “Khiêm cung ký” đã công bố, nhiều người mới rõ hơn tâm sự của một vị vua Nguyễn giữa thời lắm nỗi can qua…
Hạ Nguyên
Ý kiến bạn đọc