Multimedia Đọc Báo in

Mùa trục cá

08:54, 29/10/2022

Ấy là lúc giao mùa, tiết trời đã se se lạnh. Chẳng còn cái “nắng tháng Tám rám trái bưởi”.

Ngoài đồng, lúa bắt đầu uốn câu. Bên trong các ruộng lúa, cơ man nào là cá, chủ yếu là cá rô, cá tràu. Chúng đã đạt đến độ trưởng thành sau bao ngày chén đẫy hoa lúa. Chỉ riêng việc ngửi phấn hoa thơm lựng mùi sữa hằng ngày thôi cũng đủ để những chú rô, chú tràu(1) lớn nhanh như thổi, béo nẫy. Cơ thể cường tráng lại bị kích động bởi khí trời lành lạnh khiến cho bản năng “di biến động” của các loài cá này trỗi dậy. Chúng háo hức muốn bứt ra khỏi đám ruộng chật hẹp, tù túng để khám phá chân trời mới.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đó là thời gian vàng làm trục cá, một cách bẫy bắt cá độc nhất vô nhị. Không biết các vùng quê khác có hay không chứ tôi đã lên mạng nhờ anh “Gu gồ” tìm kiếm giùm, nhưng tuyệt không cho ra một kết quả nào. Có lẽ, do tên gọi của nó độc đáo, đậm chất Nghệ quá chăng?

Làm trục cá cũng lắm công phu. Đầu tiên là chọn nơi đặt trục. Không phải cứ nơi ruộng nước là có thể đặt trục cá. Việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải tường tận đồng làng thì mới có thể xác định được chân ruộng nào có nhiều cá. Chọn được ruộng rồi lại phải xác định chính xác vị trí đặt trục. Bờ ruộng nơi đặt trục bao giờ cũng là phía thấp hơn của ruộng, chỗ cá thường tụ về. Đó là nơi người ta thường hay đặt “trộ”(2) thoát nước cho ruộng lúa mỗi khi lượng nước trong ruộng vượt mức cho phép. Chỗ đó hình dung như là cửa thoát nước của ruộng vậy.

Tiếp theo là công đoạn làm trục. Chuẩn bị cuốc thuổng, chờ khi mặt trời sắp sửa gác núi thì bắt đầu đào hố. Hố trục hình tròn hay hình chữ nhật, có thể đặt sát hoặc ngay trên bờ ruộng. Hố đào sâu khoảng vài gang tay, đất xung quanh thành trục phải lèn chặt để hạn chế thấm nước sau thời gian một đêm. Chỗ quan trọng nhất của trục cá là bờ trục phía mặt nước của ruộng, vì đây là vị trí nhử cá “vượt vũ môn”. Cho nên bờ trục phía này phải được đắp bùn non mấp mé mặt nước, dùng tay xoa, miết trơn bóng, mặt hơi nghiêng vào phía trong để khi cá “lóc”(3) lên sẽ rơi ngay xuống đáy trục.

Vậy là đã xong một cái trục cá. Màn đêm dần buông xuống, bóng tối trùm lên khắp ruộng đồng. Đêm nay trời heo mạnh, thế nào lũ cá cũng thi nhau vượt trục.

Lại nói, sở dĩ chọn mùa trục cá khi heo may bắt đầu, tức là khoảng tháng 9, tháng 10 vì thời tiết lạnh, bờ trục luôn ẩm đảm bảo có độ trơn trượt kích thích ham muốn của lũ cá mỗi khi chúng “lóc” qua.

Sáng hôm sau, hừng đông chưa rạng, làng xóm còn chìm trong giấc ngủ rốn thì chủ trục đã ra đồng kiểm tra, không quên mang theo cái oi(4) bên mình. Quả thực, không gì vui bằng khi nhìn xuống hố trục của mình lúc nhúc những cá là cá. Những chú rô vàng hươm chen vai thích cánh với những chú tràu da sẫm màu sành trong lòng trục chật hẹp. Cảm giác bắt từng con cá trơn tuột thật khó tả. Quên cả gai cá rô sắc nhọn đâm vào tay đau điếng.

Một oi cá đầy. Nghĩ đến cảnh vừa bước chân vào nhà, vừa giơ oi cá nặng trịch khoe với mẹ mà thấy lòng sướng rêm.

Niềm vui nho nhỏ ấy cùng những mùa trục cá đã lùi sâu vào quá vãng. Đồng quê bây giờ thay đổi nhiều lắm. Không còn những ruộng lúa đầy cá, tôm, cua, cà cuống và các loài côn trùng. Nông nghiệp hiện đại với đủ loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, đã cướp đi môi trường sống lý tưởng của chúng. Chẳng còn những cảnh đi trục cá, thú vui của tuổi thơ, của những người dân quê muôn đời chân chất.

 

(1) Cá tràu: cá quả hay cá lóc

(2) Trộ: rãnh thoát nước nơi bờ ruộng

(3) Lóc: cách di chuyển của cá khi ở trên cạn. Cá rô và cá tràu có thể di chuyển được rất xa trên cạn nhờ cấu tạo đặc biệt của cơ thể.

(4) Oi: giỏ đựng cá đan bằng tre.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.