Tiếng của bà tôi
“Mồ tổ cha mày” - đó là câu cửa miệng của bà tôi mỗi lần tôi quên chụm củi vô trong bếp lò bà nấu nồi bánh ú lá tre để sáng mai bà chèo xuồng đi bán; là tiếng chửi yêu mỗi lần tôi ngủ mê trên đùi bà, sau khi bà kể cho tôi nghe mấy câu chuyện cổ tích, trong những bữa trưa chang chang nắng. Dần dà, tôi quen với câu “Mồ tổ cha mày” của bà. Bởi bà chửi vui vậy chứ bà không hề ác ý.
Tôi nhớ nhất là hình ảnh bà tôi đầu đội khăn rằn, tay chống nạnh đứng ngó giồng cải củ bị đám gà mái tơ bươi ra. Mớ cải củ văng trắng mặt đất. Bà giận quá chửi: “Bà nội cha mày, mấy con gà quỷ, dám phá giồng cải của tao, tao đem xé phay hết”.
Tôi bụm miệng cười khúc khích. Tỷ dụ bà đem xé phay thiệt chắc tôi được một bữa no nê. Thịt gà xé phay, trộn gỏi, ngắt thêm mấy lá rau răm bỏ lên trên là món khoái khẩu của tôi những tháng năm thơ ấu.
Bữa đó, bà không “đem xé phay hết” đám gà mái tơ như lời bà nói. Tôi nhắc khéo, bà vỗ nhẹ lên đầu tôi, chửi: “Cha mày, đem xé phay hết rồi lấy gì bán có tiền mua đồ mới cho mày chớ”. Tôi ngó bà, phụng phịu, rồi dòm đàn gà hiên ngang chạy nhảy qua lại ngoài chái hè. Tự nhiên nghĩ tới đồ mới, tôi thấy trong lòng vui vui. Tết năm nào bà cũng sắm đồ mới cho tôi, không nhiều thì ít, mỗi năm một hai bộ. Ba bữa Tết tôi đem đồ bà mua cho tôi ra mặc, xoay xoay mấy vòng trước mặt bà. Bà lấy tay sửa sửa cái bâu áo của tôi, nói: “Mày giống cha mày như đúc. Bây giờ bà sắm đồ cho mày, chừng nữa đi mần có tiền, nhớ sắm lại cho bà nghen”. Tôi gật đầu lia lịa.
Minh họa: Trà My |
Năm tháng trôi qua, lời hứa sắm đồ cho bà tôi không quên, nhưng tôi cứ ở miết trên thành phố, bận rộn trong đống hồ sơ, sổ sách ở cơ quan và có riêng cho mình một trời ước mơ. Tôi không có dịp trở về quê thăm bà, để mua đồ mới cho bà, để bà mỏi mòn chờ đợi. Lâu lâu con Tư hàng xóm qua chơi, nó lấy điện thoại gọi Zalo cho tôi để tôi được nhìn thấy khuôn mặt tần tảo, trổ nhiều đồi mồi của bà. Qua điện thoại, bà tôi lại mắng yêu, tiếng bà vẫn trong se, lanh lảnh như hồi đó: “Tổ cha mày, ở luôn trên đó đi, bà nhớ bây dữ lắm rồi đó”. Tôi cười mà nước mắt lưng tròng. Tôi tự trách mình tội tình gì mà làm việc đêm ngày, không có thời gian trở về quê thăm bà, thăm má. Những thôi thúc bên trong, những ký ức tuổi thơ tự nhiên sống dậy trong lồng ngực, rõ mồn một. Trong khoảng nhớ thân thương đó có hình bóng quê nhà - miền quê bình yên nép mình bên nhánh sông nào đó ở miền Tây Nam Bộ thơ mộng, có má tôi từng chiều nước nổi lại bơi xuồng ra đồng bẻ bông điên điển về nấu với cá rô đồng, có bà tôi lom khom bẻ trái cây ớt chỉ thiên sau nhà đã chín đỏ, lâu lâu nhìn về phía đồng ruộng xa xa. Chắc bà cũng đang nhớ thằng cháu ngày nào bà ẵm bồng, bà chăm từng miếng ăn giấc ngủ.
Xếp gọn bao bộn bề, lo toan ở thành phố, tôi lại về thăm bà.
Giờ thì tôi đã được đứng trên mảnh đất quê mình, trong mái nhà nơi tôi từng lớn lên, bên những nhánh sông miền Tây phù sa quặn đỏ. Tôi được nghe câu chửi quen thuộc của bà tôi - “Mồ tổ cha mày”. Điều ước lớn nhất trong cuộc đời của tôi là bao nhiêu năm tháng nữa tôi cũng còn nghe bà tôi nói câu: “Mồ tổ cha mày!”.
Hoàng Khánh Duy
Ý kiến bạn đọc