“Từ một vùng văn hóa” - gom những mùa vàng của văn học Tây Nguyên
Tập tiểu luận, phê bình “Từ một vùng văn hóa” (NXB Văn hóa dân tộc) ra mắt độc giả vào đầu tháng 9 vừa qua là cuốn sách thứ ba của nhà văn Nguyễn Phương Hà.
Cầm cuốn sách trên tay, tôi thật sự ngưỡng mộ tác giả - một người thầy mẫu mực của bao thế hệ học trò, một nhà văn cần mẫn tài năng, tâm huyết trên từng trang viết, dù đã nghỉ hưu vẫn chưa một ngày lỡ hẹn và hờ hững với văn chương.
“Từ một vùng văn hóa” với 15 bài viết, dẫu chưa thể khái quát được sự phát triển và đời sống văn học Tây Nguyên đương đại nhưng đủ để người đọc biết văn học Tây Nguyên cũng giàu có, phong phú như chất đất bazan đỏ rực. Với sự tinh tế cùng cái nhìn toàn diện, nhiều chiều, Nguyễn Phương Hà đã đưa đến cho độc giả cái nhìn cụ thể, rõ nét hơn về những tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ gắn bó với Tây Nguyên trong việc phản ánh hiện thực đời sống, làm sống dậy những nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa Đắk Lắk - Tây Nguyên; thể hiện nỗi lòng của người dân một đời gắn bó với núi, với rừng phải ngày ngày chứng kiến thiên nhiên bị tàn phá, hay đau đáu về thân phận con người trong cuộc sống đời thường. Từ đó, tạo sự đồng cảm nơi người đọc cũng như thêm một lần khẳng định giá trị của những tác phẩm được sinh ra từ tình yêu thiết tha với đất và người Tây Nguyên - nơi mỗi tấc đất, dáng núi, hình sông đều gắn với những huyền thoại, nơi dù có đi hết đời người vẫn chẳng thể nào khám phá hết được những điều bí ẩn...
Đọc tập tiểu luận, tôi nhận ra, không chỉ người viết nên bài trường ca, người viết tiểu thuyết về giọt nước mắt của rừng, người viết về cô gái Tây Nguyên đưa vẻ đẹp của người phụ nữ Êđê ra khắp năm châu… mới yêu Tây Nguyên tha thiết, mà người viết phê bình cũng nặng ân tình với mảnh đất này. Mỗi trang sách được lật ra là tình yêu và mong muốn đến với Tây Nguyên của độc giả càng trở nên thiết tha, cháy bỏng: Về để nghe điệu ayray say đắm lòng người từng được nhắc đến trong thơ Văn Thảnh; để ngắm dáng già làng dõi mắt về phía rừng xa tiếc nhớ một thời trong quá khứ của nhà thơ Đặng Bá Tiến; để chứng kiến tận mắt vẻ đẹp khỏe khoắn, rực rỡ của H’Hen Niê - bông hoa đang tỏa ngát hương giữa núi rừng trong thơ Lê Thành Văn...
Dưới ngòi bút nhà phê bình Nguyễn Phương Hà, tác phẩm của nhà thơ Hữu Chỉnh, Đặng Bá Tiến, Văn Thảnh, Lê Thành Văn, nhà văn Niê Thanh Mai, Hồng Chiến, Bá Canh... hiện lên thật sống động, chi tiết với những tầng ý nghĩa sâu xa được khám phá, đủ mọi cung bậc cảm xúc. Qua ngòi bút của mình, nhà phê bình Nguyễn Phương Hà đã làm nổi bật được nét riêng của từng nhà văn, nhà thơ. Đó là sự từng trải của nhà thơ Hữu Chỉnh, chất nữ tính đầy cảm xúc của nhà văn Bích Thiêm, sự am hiểu thế giới trẻ thơ của nhà văn Hồng Chiến, hay sự say mê, am hiểu văn hóa Tây Nguyên của Văn Thảnh...
Cuốn sách có các bài tiểu luận, phê bình về các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: Thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn và viết về nhiều đề tài khác nhau. Quá trình đọc, cảm nhận, rút ra cái riêng, cái đặc sắc nhất của từng tác phẩm, từ đó khái quát thành một bức tranh văn học chung có sự phong phú, đa dạng với cái nhìn thống nhất, khách quan trong đánh giá là một việc không hề dễ dàng. Nó không chỉ cần thời gian, công sức, sự say mê, tìm tòi mà còn cần đôi mắt đủ tinh tế, sự sắc sảo và thấu hiểu của một người từng trải, dày dạn vốn sống và cả vốn tri thức văn chương.
Văn phong của tác giả Nguyễn Phương Hà trong “Từ một vùng văn hóa” không cầu kỳ, hoa mỹ mà chân thành, dung dị. Ông đã vận dụng linh hoạt những vấn đề lý luận văn học từ đặc trưng thể loại, hình tượng, kết cấu, ngôn ngữ đến những hiểu biết về thi pháp hiện đại, tìm phương pháp phù hợp để tiếp cận tác phẩm một cách sâu sắc và hiệu quả. Cái cách tác giả viết về thơ của Đặng Bá Tiến, đọc rất cuốn hút, khiến tôi ước mình được cầm trên tay cuốn thơ ấy mà đọc cho trọn, cho thỏa cái hùng vĩ của rừng, của núi, cái day dứt, cái nỗi niềm của nhà thơ. Tôi thích việc ông đọc tản văn của Bích Thiêm theo cách đọc một bài thơ, cực kỳ dịu dàng và nữ tính. Và đặc biệt ấn tượng với bài viết “Về tuyển tập truyện ngắn Phía nào sương thôi rơi của Niê Thanh Mai”. Cách viết phê bình của Nguyễn Phương Hà đã thuyết phục được người đọc ở cách gợi mở, dẫn dắt, tiếp cận vấn đề rất cụ thể, đa chiều, cách đánh giá chân thành, hợp lý, khách quan.
Gấp lại cuốn sách, tôi chợt nghĩ, nếu Tây Nguyên có thật là "vùng trũng văn chương" đi chăng nữa thì trên đó, bằng tài năng, tấm lòng và sự cần mẫn, chỉn chu của người gieo hạt, những người sáng tạo văn chương vẫn có cho mình được những vụ mùa bội thu trong đời văn của họ. Và nhà phê bình Nguyễn Phương Hà đã lặng lẽ gom nhặt những mùa vàng, trân trọng ghi dấu lại trên từng trang viết của “Từ một vùng văn hóa”.
Nguyễn Thị Hiên
Ý kiến bạn đọc