Multimedia Đọc Báo in

Miền ký ức cỏ

08:35, 05/11/2022

Nhẹ bước trên nẻo về thân thuộc để nghe lòng mình như được trở lại với tuổi thơ. Có một tuổi thơ ngọt ngào với lá, với gió và đặc biệt là với cỏ.

Ký ức ấy còn mãi trong tôi mỗi lần về ngang những cánh đồng xanh ngát. Từng dải nắng cứ lướt qua và trải dọc theo hai bên đường như cũng muốn điểm tô thêm cho cỏ một màu xanh biêng biếc. Có gì lạ đâu, cỏ đã theo tuổi học trò đi suốt những đoạn đường dài ngắn. Riêng với trẻ con miền thôn quê, càng gắn bó nhiều hơn với cỏ. Thành thị bây giờ, trẻ em thường được ba mẹ sắm cho nhiều thứ đồ chơi điện tử hoặc mỗi bận nghỉ hè được đi du lịch ở những danh lam thắng cảnh nào đó chứ ít về quê, về lại những miền quê thôn dã. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp được đâu đó hình ảnh đám trẻ chạy rong trên đồng, trời chang chang nắng. Tiếng ba mẹ rầy la khi tụi nhóc trong xóm lén giang nắng cắt lá dừa tươi xếp chong chóng gió hay lê la ngoài bờ ruộng nhởn nhơ cái trò chơi nghịch ngợm “đá cỏ gà”.

Ăm ắp trong tôi là những buổi chiều lén mẹ rủ bạn bè ra bờ đồng sau bứt cỏ gà mà “chọi” với nhau. Lối cỏ xanh mềm thả dọc theo con đường đến tận cuối xóm. Sau mấy trận mưa đầu mùa, cỏ lên xanh mơn mởn, những chùm cỏ kết lại với nhau mà chúng tôi thường gọi là cỏ gà, gọi mãi sau này riết rồi thành thói quen. Hì hạch tranh nhau từng cọng một đến cuối cùng đứa nào đứa nấy trên tay cũng một nắm đầy. Bọn tôi bước vào cuộc “chọi gà”. Nào những con gà cồ dẻo dai, những ngọn gà tơ giòn khấu, cứ thế mà huyên thuyên cả buổi chiều. Cái hồn nhiên của tuổi thơ là như vậy đó. Là những chiếc “đầu gà” nằm lăn lóc trên đám cỏ xanh. Nhưng cỏ gà không giận mà vẫn tươi và trổ nhiều thêm cho chúng tôi những chiều sau nghịch tiếp.

Minh họa: Trà My

Cỏ gà cứ miên man mọc quanh theo con đường nhỏ, nó lơ thơ trên bến đò ngang của dòng sông quê sớm chiều ròng lớn. Rồi ký ức tuổi thơ cứ chạy rong trên trục thời gian vô hình. Thời gian vốn dĩ chỉ đi một chiều mà cuộc đời thì lại vô số hướng. Bọn trẻ nhà quê chúng tôi dần lớn lên, đứa thì ở lại quê nghèo, đứa thì ra tỉnh học và lập nghiệp rồi sống luôn ở đấy. Cuộc sống vô tình đã bỏ lại những nắm cỏ gà một thời thơ dại. Dù bị lãng quên đi nhưng cỏ gà vẫn hiền lắm. Nó vẫn đong đưa trong nắng mặc cho mọi thứ hững hờ lướt qua trên thân hình mong manh của mình. Nhớ có lần, Út Lượm đợi con đò thưa thớt khách mới bước nhẹ lên bờ, ngồi xuống tay vu vơ bứt vài cọng cỏ gà, rồi ngước nhìn về bên kia sông. Trông ai, chờ ai hay nghĩ ngợi điều gì không biết mà đôi má cứ đỏ lơ trong màu nắng.

Cỏ gà đi vào ký ức tuổi thơ nhẹ nhàng và miên man đến vậy. Lần về này, tôi thấy quê mình biết bao điều thay đổi. Con đường làng bây giờ dường như thiếu mất một thứ gì đó quen thuộc. Phải rồi, vắng cỏ gà. Những đám cỏ gà trải mình trong chiều hanh hao nắng giờ là kỷ niệm. Cỏ gà thôi không còn mọc xanh um dọc theo hai bên con đường như thuở xưa nữa. Tôi cố tìm cho mình một nhánh cỏ thân quen nhưng chẳng thấy. May sao, bến đò của Út Lượm còn sót lại một đám nhỏ. Như muốn nắm níu thời gian, lần bước chậm, tôi tìm lấy một cọng cỏ gà nhỏ nhắn đang lơ thơ trong cái nắng chiều quê dìu dịu gió. Cả một miền xưa như lặng lẽ quay về.

Bến đò giờ đã thay đổi chủ. Lẳng lặng theo cơn gió hiu hiu, từng cọng cỏ gà nghiêng nghiêng như chờ như đợi bước chân ai đó lần tìm về kỷ niệm. Cỏ gà vẫn xanh tươi bên bến đò cũ. Còn Út Lượm, cô bạn thiếu thời của tôi, sau những thăng trầm của cuộc sống gieo neo, không biết nay đã về đâu. Heo hút ngoài sông thả những ngọn gió miên man. Hình ảnh nhỏ nhắn bạn tôi, tiếng cười trong vắt những trưa hè ngày ấy đâu rồi. Con gà cỏ của bọn tôi vẫn đang lẩn trong đám xanh rờn ấy. Vẳng lại từ miền xa tiếng cười khúc khích của những cuộc “chọi gà” hí hửng. Có phải miền cỏ xanh kia đã gieo vào lòng tôi những cảm giác êm đềm và dịu ngọt mà cứ mỗi lần về lại nhớ lại thương.

Phan Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.