Multimedia Đọc Báo in

Tuổi thơ và mùa lụt…

07:01, 13/11/2022

Ngày nhỏ, nhớ cứ mỗi lần sắp mưa lụt, mẹ là người vất vả nhất. Mẹ loay hoay hết dọn dẹp đồ đạc lại phải lo chỗ tránh trú an toàn cho con cái trong nhà, cho gà, vịt, bò, heo ngoài chuồng.

Chỉ mỗi bọn trẻ chúng tôi vô tư. Mà đâu phải chỉ vô tư, chính xác là chúng tôi còn… thèm có lụt! Mong ước ngây ngô bởi con nít tính ham chơi, ham vọc (nghịch) nước đã đành; riêng tôi, còn thêm lý do: mưa lụt sướng hơn ngày thường vì không phải đi chăn bò, học bài xong được ở nhà thả sức coi ti vi, chuyện ngày thường đừng có mơ! Đã vậy, chị Hai cũng nghỉ việc nên thi thoảng còn được… thưởng thức vài món ngon do chị rảnh rỗi bày làm cho cả nhà ăn: bắp rang, bánh chuối, kẹo dừa…

Nước lụt tràn vô sân, ngập băng đường sá, ruộng đồng thành một biển trắng mênh mông. Giờ là theo anh Ba chặt chuối đóng bè chống đi chơi. Bì bõm dưới nước cả buổi áo quần ướt nhẹp, mặt tím tái, môi thâm sì vẫn chưa chịu thôi. Mỗi năm có một mùa lụt, bè đóng vất vả, phải tranh thủ mà chơi mau không nước rút! Ngồi bè chống lướt băng băng qua rào giậu, qua những chỗ từng là sân nhà, cổng ngõ, đường đi không phải tránh né vòng vo như ngày thường luôn cho lũ nhỏ cảm giác là lạ, thích mê. Chơi đã đời cho tới lúc mẹ sực nhớ lũ con dầm mình đã quá lâu, quát vọng ra mới chịu nuối tiếc rời bè …

Minh họa: Trà My

Nước rút. Trong khi người lớn lo dọn dẹp, dội rửa sân hè thì bọn trẻ chúng tôi đã í ới dắt nhau "đi càn" từ xóm dưới lên xóm trên, mục đích dòm coi nước rút tới đâu và nhặt nhạnh "chiến lợi phẩm" rớt rơi sau lụt. Cam, ổi, mít, xoài… trong vườn nhà hàng xóm trái lớp già lớp non bị gió mưa quật rụng đầy đất. Tha hồ lượm, không ai cấm. Đôi khi hành trình nghiêng ngó còn phát hiện thêm vài món hay hay: con búp bê cũ, cái hộp bút hay chiếc cặp tóc nhựa đỏ xanh không biết từ đâu trôi tới. Gom hết, mang về nhà rửa sạch bùn đất bày làm đồ chơi. Riêng món trái cây, mừng nhất nếu gặp một cây đu đủ gãy. Thể nào cũng "a la sô" vặt, lượm hết các trái non già nếu chủ nhà cho phép. Đu đủ sống về gọt vỏ ngâm nước cho ra bớt nhựa, sau đó đem băm trộn gỏi là món ăn tuyệt cú mèo. Cam, ổi, mít... trái nào chấm muối ăn được thì ăn, ăn không được cũng để… chơi. Con nít, cái gì cũng có thể thành đồ chơi tất tật…

Vòng vo nhặt nhạnh xong trong xóm thì dắt nhau ra đồng. Đồng sau lụt, lũ cua, cá dưới bàu, sông theo nước lụt lên đồng mê chơi mắc kẹt, nước rút không kịp trở về. Chúng ngoi ngóp, ẩn trốn dưới lỗ chân trâu, trong các hang hốc ven bờ ruộng hoặc vũng trâu đầm. Số lượng không nhiều nên người lớn ít quan tâm, chỉ mỗi đám trẻ con hào hứng. Bắt cũng để… chơi thôi chứ không phải thèm ăn mấy con cua cá nhép. Ngoi suốt buổi ngoài ruộng, chiều về bùn bết từ đầu tới chân chỉ còn ló hai con mắt. Mẹ trông thấy lắc đầu…

Niềm vui như thứ hành trang ký ức - mãi mang theo cho dẫu đã từ lâu bỏ lại sau lưng cả ruộng đồng lẫn ấu thơ. Ấu thơ xa nhưng hoài niệm mãi gần…

                                                                                                  Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.