Về chữ “xuân”
Về cơ bản, chữ “xuân” trong tiếng Việt mượn nghĩa chữ “xuân” trong Hán tự, chỉ một mùa trong bốn mùa của tự nhiên. Xuân được xem là mùa đầu tiên trong năm, bắt đầu từ thời điểm mùa đông kết thúc, vạn vật tái sinh, cây lá ra lộc kết hoa…
Chữ “xuân”, ban đầu vẽ hình một chiếc lá mọc vươn lên (chữ đồn), sau đó cải biến thành nhành cây (chữ phong) và con người (chữ nhân) để diễn tả hoàn cảnh con người và cây cỏ cùng tươi tắn đầy sinh khí. Cuối cùng, người ta thêm hình ảnh mặt trời (chữ nhật) ở phía dưới, để mô tả quá trình đó diễn ra dưới ánh mặt trời rực rỡ, thời điểm mùa đông kết thúc, băng giá tan đi. Đó chính là khi mùa xuân về.
Cũng luận về chữ “xuân”, nhưng có người lại viện dẫn học thuyết âm dương của triết học Đông phương, dựa vào chữ phong bên trong, có 3 nét ngang, ứng với tam tài (thiên, địa, nhân) để giảng nghĩa, vào một thời điểm mặt trời lên rực rỡ, vạn vật cùng nảy nở sinh sôi, nhất quán khắp cả 3 cõi trời, người, và đất. Ấy chính là thời khắc mùa xuân tới.
Ảnh minh họa: Internet |
Chữ “xuân” trong tư duy phương Đông truyền thống bởi thế thể hiện tâm ý người xưa, chỉ vào thời điểm huy hoàng của tự nhiên tuần hoàn, bộc lộ một bối cảnh mới mẻ, tinh thần lạc quan mãnh liệt vào cuộc sống.
Người Việt theo đó, luôn sử dụng chữ “xuân” theo nghĩa mùa xuân, mùa khởi đầu mọi sự việc với những góc nhìn lạc quan tích cực, dồi dào năng lượng. Tuổi trẻ của mỗi người, giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, luôn được ví von là tuổi xuân, thời xuân sắc. Những giấc mơ đẹp, ước vọng đẹp, sẽ được ví là mộng xuân, giấc mơ xuân…
Nhiều học giả nhìn nhận, trong bốn mùa của một năm, tên gọi mùa xuân là biểu hiện tích cực và thơ mộng nhất. Trong chữ Hán, “hạ” là từ vốn dùng chỉ một bộ lạc cổ, không gắn với nghĩa thời tiết nào; “đông” là hình vẽ hai nút thắt của một sợi dây, gắn với tục thắt dây tính thời gian của người cổ đại, cho là thời điểm hết một vòng tuần hoàn.
Chữ “thu” của mùa thu, vẽ hình ngọn lửa và cây lúa, chỉ vào mùa lúa chín trên cánh đồng, tức thời điểm mùa lúa chín tháng 10. Chỉ duy có chữ “xuân” thể hiện đầy đủ hình ảnh, ý nghĩa và cả cách diễn đạt đầy chất tư duy, triết lý của một mùa khởi đầu cho năm mới sáng lạn.
Bởi những đặc trưng riêng biệt ấy, trong tiếng Việt, chữ “xuân” luôn được dùng gắn kèm các ý nghĩa tích cực, chỉ vào sự mới mẻ; ghép cùng những từ, ngữ khác để tạo nên những ngữ nghĩa tươi sáng, đẹp đẽ. Nhắc đến chữ “xuân”, người Việt luôn cảm thấy đầy tràn hưng phấn và sức sống. Nói đến mùa xuân, mỗi người, mỗi nhà lại nhận thấy, một bối cảnh mới đầy hy vọng được mở ra.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc