Có một chân trời từ trang sách mở ra
Khi trang sách mở ra
(Trích)
Khi trang sách mở ra
Khoảng trời xa xích lại
Bắt đầu là cỏ dại
Thứ đến là cánh chim
Sau nữa là trẻ con
Cuối cùng là người lớn.
Trong trang sách có biển
Em thấy những cánh buồm
Trong trang sách có rừng
Với bao nhiêu là gió
Trang sách còn có lửa
Mà giấy chẳng cháy đâu
Trang sách có ao sâu
Mà giấy không hề ướt
Trang sách không nói được
Sao em nghe điều gì
Dạt dào như sóng vỗ
Một chân trời đang đi.
Nguyễn Nhật Ánh
Cuộc sống thật rộng lớn, sự hiểu biết của mỗi người lại vô cùng bé nhỏ. Vì vậy, để giữ lại những gì mình đã học tập và trải nghiệm, con người thường ghi thành sách. Từ đời này qua đời khác, sách cứ nhiều mãi lên, thành ra tri thức nhân loại gửi vào từng trang sách càng thêm phong phú, như trời cao biển rộng. Quả vậy, sách chứa đựng cả một chân trời - một chân trời rộng mở vô biên. Bài thơ “Khi trang sách mở ra” của nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh đã giúp chúng ta khám phá bao điều mới mẻ, bao điều thú vị mở ra từ trang sách.
“Khi trang sách mở ra” được Nguyễn Nhật Ánh viết cho lứa tuổi thiếu nhi nên ý tứ rất hồn nhiên, cảm xúc thơ trong sáng và được nhìn qua một lăng kính vui tươi, ngộ nghĩnh. Khả năng liên tưởng, tưởng tượng và các hình ảnh thơ được tác giả viết ra thật gần gũi và sống động. Các hình ảnh cỏ dại, tiếng chim, cánh buồm, ngọn gió, bếp lửa, ao sâu, sóng vỗ… đều dễ cảm, dễ hiểu bởi các em đã được nhìn thấy và tiếp xúc mỗi ngày. Chính vẻ đẹp giản dị, tự nhiên ấy đã làm nền cho thông điệp của bài thơ: Từ trang sách mở ra có cả một chân trời rộng lớn mà mỗi người chúng ta khám phá đến vô cùng.
Khổ thơ đầu tiên trong bài đã hiện lên nhiều điều thú vị bằng chính sự liên tưởng thật tài tình của nhà thơ. Từ trang sách tưởng chừng vô tri, bé nhỏ kia lại có cả một chân trời bao la đang dần xích lại. Thông qua phép ẩn dụ, nhân hóa, các hình ảnh tự nhiên và con người trở nên gần gũi, thân thuộc với các em, đồng thời thật sinh động và kỳ thú. Đó là cỏ dại non tơ, là thanh âm của tiếng chim ríu rít, đẹp nhất là hình ảnh con người, có cả trẻ con và người lớn đang cùng sống trên quả đất vui tươi và giàu đẹp: “Khi trang sách mở ra/Khoảng trời xa xích lại/Bắt đầu là cỏ dại/Thứ đến là cánh chim/Sau nữa là trẻ con/Cuối cùng là người lớn”.
Mở từng trang sách, chúng ta còn bắt gặp bao nhiêu là cảnh đẹp tự nhiên về biển, về rừng. Trong đó, biển rộng bao la, biển chở những con thuyền buồm đi về sớm tối và những cánh rừng mênh mông xạc xào gió thổi. Quả vậy, nếu không đọc sách, làm sao các em biết được đất nước mình “rừng vàng biển bạc” bao la và diệu kỳ đến thế: “Trong trang sách có biển/Em thấy những cánh buồm/Trong trang sách có rừng/Với bao nhiêu là gió”.
Ngoài ra, sách cũng cung cấp cho các bạn nhỏ những hiểu biết thật gần gũi và quen thuộc từ cuộc sống hằng ngày. Một ánh lửa hồng mẹ nấu bếp chiều hôm, một ao sâu có nhiều tôm cá. Chao ôi, lửa và nước, những cái rất cần thiết, gắn bó với con người lại cũng có trong trang sách trắng xinh kia! Nhưng điều ngộ nghĩnh mà nhà thơ muốn các em trả lời là: Tại sao lửa có trong sách nhưng sách không cháy, nước có trong sách nhưng sách không ướt? Trả lời được những câu hỏi này nghĩa là các bạn nhỏ đã rất thông minh và giỏi lắm rồi: “Trang sách còn có lửa/Mà giấy chẳng cháy đâu/Trang sách có ao sâu/Mà giấy không hề ướt”.
Sách tuy không có tiếng nói nhưng các em vẫn nghe được âm thanh, dạt dào như sóng vỗ và cảm nhận được một chân trời đang dần bước đi, rộng mở về phía trước. “Một chân trời đang đi” là tác giả muốn nói đến chân trời tri thức, nó sẽ rộng mở lớn hơn nếu mỗi ngày các em biết chăm lo đọc sách. Đọc nhiều sách chính là nhận về sự phong phú vô cùng của cuộc sống mang lại.
Bài thơ giản dị, trong sáng nhưng lại chứa đựng một bài học thật bổ ích và sâu sắc cho tất cả chúng ta. Các bạn nhỏ đọc xong “Khi trang sách mở ra”, chắc rằng mỗi ngày sẽ yêu hơn những trang sách quý, vì nó mang đến cho ta những chân trời đẹp đẽ và bao la phía trước.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc