Bay cao cùng cánh diều tuổi thơ
Thả diều lên
Diều từ mặt đất
Diều cất mình lên
Đảo đảo, nghiêng nghiêng
Rồi diều lên thẳng
Vượt ngọn tre cao
Diều lên, lên nữa
Gió thổi, dây run
Hay diều em thở?
Vi vu! Vi vu!
Lưng trời sáo thổi
Giờ cao hơn núi
Diều em đứng chơi
Diều như say ngắm
Đất nước khắp nơi:
Kìa dòng sông lớn
Lấp lánh về xuôi
Kìa bao ngọn đồi
Sắn khoai xanh mượt
Với bao con đường
Tàu bè xuôi, ngược
Vi vu, vi vu
Chiều xanh bát ngát
Gửi diều lên mây
Diều ơi, đừng đứt
Mặt trời đã khuất
Thuyền nhỏ trăng lên
Gọi diều về đất
Nghỉ lấy sức thêm
Mai nối dài dây
Cho diều, diều nhớ
Để em cùng diều
Bay cao, cao nữa...
Phạm Hổ
Thường vào mỗi dịp hè sang, được nghỉ ngơi sau những ngày học tập, các em nhỏ rất thích thả diều. Cánh diều no gió bay vút trên bầu không xanh thẳm thật đẹp và nên thơ. Cánh diều đâu chỉ là vật vô tri, qua tâm hồn tuổi nhỏ trong suốt, nó còn chở cả những ước mơ thần tiên bay bổng. Cánh diều vì thế đã đi vào văn chương nghệ thuật như một mảng tình yêu mà các văn nghệ sĩ dành tặng cho các bạn nhỏ. Nhà thơ Phạm Hổ với nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng gửi gắm tình cảm của mình qua bài thơ “Thả diều lên” thật thi vị.
Nhà thơ Phạm Hổ. Ảnh: Internet |
Giữa không gian làng mạc thân thương, sau một hồi “đảo đảo nghiêng nghiêng”, cánh diều bay lên vượt qua độ cao của ngọn tre là bắt đầu chịu sự tác động của sức gió. Nhà thơ Phạm Hổ đã có những liên tưởng thật thú vị khi nhìn sợi dây diều trong tay các bạn nhỏ mà cảm được sợi “dây run” lúc gió thổi vào. Chính sự động đậy của sợi dây gặp gió, rồi cả sự hồi hộp của các bé qua hơi thở, nhà thơ đã bật hỏi một cách thật ngây thơ và hóm hỉnh: “Gió thổi dây run/ Hay diều em thở?”.
Thả diều, các bạn nhỏ cũng không quên gắn vào cánh diều của mình ống sáo. Mục đích không có gì khác ngoài được lắng tai nghe những âm thanh vi vu vút ra từ tiếng sáo diều lúc lên cao xanh thẳm. Vừa nhìn cánh diều bay lượn, vừa nghe những âm thanh dìu dặt, quả thật chẳng có gì thú vị hơn. Chẳng vui sướng nào hơn khi cánh diều đã “đứng chơi” một cách bình yên giữa tầng cao bát ngát, chở theo khúc hát dặt dìu qua tiếng sáo vi vu: “Vi vu! Vi vu/Lưng trời sáo thổi/Giờ cao hơn núi/Diều em đứng chơi”.
Được bình yên “đứng chơi” giữa bầu trời cao xanh biếc, cánh diều cũng như các bạn nhỏ thế thôi, cứ say ngắm cảnh vật đất nước đẹp tươi qua lấp lánh sắc màu. Đó là dòng sông lớn đang chảy từ núi cao về xuôi qua biết bao phố phường, làng mạc. Đó là núi đồi sắn khoai xanh mượt hay những con đường tàu xe xuôi ngược thênh thang. Càng lên cao nên càng được nhìn thấy bao quát đất nước mình thật bao la và xinh đẹp. Tầm nhìn khoáng đạt, các em tha hồ mà say ngắm, yêu thích để rồi tự hào về Tổ quốc Việt Nam thân yêu: “Kìa dòng sông lớn/Lấp lánh về xuôi…/Kìa bao ngọn đồi/Sắn khoai xanh mượt...”.
Suốt một buổi chiều thả diều vui chơi, được gửi gắm nhiều ước mơ thật đẹp, được nghe tiếng nhạc vi vu từ tiếng sáo diều, hẳn các em làm sao quên được. Nhưng niềm vui cũng đến lúc phải dừng lại để về nhà kẻo mẹ đợi, cha chờ khi ông mặt trời đã khuất và vầng trăng nhỏ như chiếc thuyền từ từ nhô lên giữa bầu trời cao rộng. Do vậy, tác giả đã không quên nhắc các bé “gọi” diều về rồi đó. Từ “gọi” thật trìu mến thân thiết, nhờ đó cánh diều như người bạn nhỏ dễ thương với các em: “Mặt trời đã khuất/Thuyền nhỏ trăng lên/Gọi diều về đất/Để lấy sức thêm”.
Là nghỉ lấy sức thôi nhé, trong những ngày hè được nghỉ ngơi vui chơi thỏa thích, các em lại vẫn tiếp tục trò chơi thả diều thú vị này. Vì qua cánh diều, chính ước mơ các em được thắp sáng và bay bổng nhiều hơn. Khổ thơ cuối bài nhờ thế đã chắp thêm cho tuổi thơ nhiều ước mơ kỳ diệu: “Mai nối dài dây/Cho diều, diều nhớ/Để em cùng diều/Bay cao, cao nữa...”.
“Thả diều lên” của nhà thơ Phạm Hổ là một bài thơ hay, giàu sức liên tưởng và gợi tả được niềm vui của các bạn nhỏ trong những khoảnh khắc đùa chơi cùng cánh diều bay bổng, đồng thời tác giả cũng gửi gắm tình yêu và niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp qua niềm mơ ước được bay cao, bay xa của tuổi thơ trong trẻo, ngọt ngào.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc