Có một khoảng trời liệt nữ thao thức trong thơ
Khoảng trời, hố bom
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom.
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái…
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung ling
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hóa thành những làn mây trắng
Và ban ngày khoảng trời rực nắng
Đi qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm sau bước tiếp khoảng đường dài
Tên con đường là tên em gởi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi mình trong cuộc sống của em.
Gương mặt em bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.
Trường Sơn, 10/1972
Lâm Thị Mỹ Dạ
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: Internet |
Có những bài thơ cứ ám ảnh ta khôn nguôi. Có những tác giả thơ khi qua đời cứ làm trái tim ta nhói đau, thổn thức. “Khoảng trời, hố bom” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nằm trong số đặc biệt ấy. Vào đầu tháng 7/2023 này, “người đàn bà thơ” Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã yên nghỉ ngàn thu, nhưng khoảng trời xanh con gái với những vầng mây trắng tinh khôi hóa thân từ người liệt nữ lại thảng thốt bay về, xao xuyến lòng ta và gợi nên biết bao bồi hồi, xúc động. Bởi lẽ, sự hy sinh lớn lao ấy mãi mãi bất diệt, góp phần làm nên sự bình yên, trường tồn của Tổ quốc: “Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn vạn bài ca/ Có những người như chân lý sinh ra” (Hãy nhớ lấy lời tôi - Tố Hữu).
“Khoảng trời, hố bom” được viết vào tháng 10/1972, khi đó Lâm Thị Mỹ Dạ mới ngoài hai mươi tuổi. Bài thơ sau đó giành được giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1972 – 1973 và được đánh giá là một trong những thi phẩm hay nhất của nền thơ Việt Nam viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không thiên về suy tưởng hay đa đoan sóng dậy như thơ Xuân Quỳnh, Ý Nhi mà nhỏ nhẹ, đằm thắm và bảng lảng một chút sắc màu cổ tích. Thật vậy, với thi phẩm “Khoảng trời, hố bom”, tác giả mở đầu bằng những câu thơ đậm màu huyền thoại nhưng đã đưa người đọc lắng lòng nghe một câu chuyện có thật về một người con gái hy sinh trên đường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ bằng một bút pháp rất riêng của chị: “Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”.
Bằng năm dòng thơ có tính tự sự, Lâm Thị Mỹ Dạ đã giúp chúng ta cảm nhận được sự hy sinh anh dũng của một cô thanh niên xung phong. Giữa khói lửa chiến tranh, để đánh lạc hướng kẻ thù, đảm bảo huyết mạch giao thông và cho những con đường được bình yên khi vận chuyển vào chiến trường, người nữ thanh niên ấy đã chấp nhận hứng lấy luồng bom trước sự bắn phá của giặc. Tuy nhiên, ấn tượng và xúc động nhất là nhà thơ đã nâng câu chuyện lên thành một huyền thoại, có sức ám ảnh lớn từ một khoảng trời lạ lùng của vũng nước mưa có hố bom, nơi người con gái đã dũng cảm ngã xuống. Bài thơ nổi sóng từ đó. Trong vắt và cũng thẳm sâu từ đó. Sự hy sinh của cô gái thanh niên xung phong đã hóa thân thành khoảng trời trong lòng đất, vừa thực vừa ảo, ngưng đọng mãi mãi giữa trái tim người: “Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất”.
Lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam, ta nghe mặt đất mênh mông ôm một khoảng trời. Hai câu thơ tự nhiên, trong sáng, tình cảm lại chân thành bằng thủ pháp nghệ thuật so sánh nên tạo một cảm xúc mạnh mẽ và đầy ám ảnh. Cái lạ của hình tượng thơ đã được chắt lọc từ cái nhìn giàu lòng yêu thương và nhiều trắc ẩn của thi nhân. Vậy là từ nay, giữa mênh mông nắng gió Trường Sơn, có một “khoảng trời em” trong suốt, dịu dàng. Đó là một khoảng trời đã được hóa thân, soi chiếu từ những hy sinh, mất mát lớn lao không gì so sánh được: “Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em/ Vầng dương thao thức”.
Vậy là có đến hai khoảng trời trong cái nhìn của Lâm Thị Mỹ Dạ: một khoảng trời thực với “những làn mây trắng” bay qua mỗi ngày và một khoảng trời hóa thân từ cuộc đời người con gái từ trong lòng đất, bất tử trong tâm hồn muôn thế hệ. Sự bình dị, nhỏ bé của cuộc đời cô gái thanh niên xung phong đã trở thành vẻ đẹp đậm chất tráng ca, lấp lánh bay lên từ hiện thực đau thương nhưng hào hùng của dân tộc và mãi mãi được Tổ quốc tri ân, mọi người tưởng nhớ: “Gương mặt em bạn bè tôi không biết/ Nên mỗi người có gương mặt em riêng”.
Tôi gọi “Khoảng trời, hố bom” là câu chuyện về một cuộc hóa thân huyền thoại. Triết lý sâu xa ấy không phải dễ gì ai cũng bắt gặp trong đời để rồi miên viễn đi vào ký ức, thơ hóa và bay xa vào lòng thời đại. Có lẽ vậy chăng mà bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cứ day dứt, ám ảnh không nguôi trái tim nhiều thế hệ độc giả. Con đường Trường Sơn một thời khói lửa nay đã vươn mình nối liền vạn nẻo, thắp sáng bao niềm tin và mơ ước cuộc đời. Quả vậy, có sự hy sinh nào lại không vì một tương lai tươi đẹp, sáng trong; có sự hy sinh nào lại không vì thân phận con người và Tổ quốc vĩ đại. Chính những người ngã xuống giữa đại ngàn năm xưa đã hóa thân thành những khoảng trời bất diệt - khoảng trời thắp lên từ những hố bom.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc