Đời thúng
Làng chài nằm cuối dòng sông, cách cửa biển vài chục sải bơi. Dân trong làng đa số kiếm sống bằng nghề đánh bắt hải sản, chỉ còn số ít qua bãi bồi bên kia sông canh tác hoa màu và gieo sạ một vụ lúa trong năm nhờ vào nước trời.
Thuở bé, mỗi chiều muộn, bọn trẻ con trong làng hay ra bến nước tắm, bơi lội, có đứa còn bám vào những chiếc thuyền thúng neo ở gốc bần, cây ngái sát mép nước.
Những chiếc thuyền thúng tròn vành vạnh, chòng chành trên mặt sóng chở bao kỷ niệm và ước mơ những đứa trẻ làng chài da đen khét nắng. Còn nhớ, tôi và đám con nít cũng đôi lần được người lớn cho lên thúng chèo ra biển.
Cảm giác vừa háo hức vừa lo lắng khiến chúng tôi khi thì lắc lư cười đùa, khi thì la hét, đòi quay vô, bởi có đứa bị say sóng, chóng mặt. Chèo thúng rất khó, cần khéo léo, muốn giữ cho thúng thăng bằng, không bị xoay tròn mà nhẹ nhàng lướt đi theo nhịp chèo là một quá trình học hỏi.
Đặc biệt, khi thúng vừa rời khỏi bờ, gặp gió, nếu người chèo không vững để thuận theo chiều gió thì việc thúng bị đánh úp là khả năng rất cao. Tôi cũng từng nhiều lần điều khiển chiếc thúng không theo ý muốn để nhận ra rằng việc mưu sinh trên biển không hề dễ dàng chút nào.
Để rồi tự bao giờ, hình ảnh những chiếc thúng quá đỗi thân thiết đã lẹm sâu vào ký ức. Bởi nó gắn liền với đời sống những ngư dân, quanh năm lao động trên biển, phần nào giúp họ vượt qua bao lớp sóng.
Bãi cát dài trắng phau chạy dọc dưới rặng dừa cao là nơi tôi hay lui tới. Tôi thích dạo trên bãi cát, ngắm nhìn biển chiều xanh thẫm, dịu êm từng con sóng. Có khi tôi còn vòng quanh các con ngõ nhỏ đầy cát để cảm nhận rõ nhất nếp sinh hoạt của người dân làng chài. Những ngôi nhà mái thấp, tường trát xi măng thô sơ, trước khoảnh sân ở nhiều nhà phơi lưới hay một vài chiếc thúng cũ, có chiếc đang trong giai đoạn hoàn thiện. Tôi nhìn những chiếc thúng nghĩ đến hành trình sắp đến của nó trên biển cả mênh mông. Nghề thúng câu hoặc lưới giã chỉ đánh bắt gần bờ. Vào mùa giông, biển ẩn chứa nhiều bất trắc nhưng hải sản lại dồi dào. Thế nên, ngư dân đã bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chức năng về thời tiết mà lén đi đánh bắt. Thế rồi, giữa màn đêm bao phủ, mỗi chiếc thúng là một ngư dân và ngọn đèn tín hiệu, trong khoảng cách vừa phải, họ lần lượt buông câu. Cứ thế, suốt đêm họ lặng thầm lao động, thành quả được biển cả bù đắp là những con mực, con cá để sáng sớm mai mang ra chợ bán.
Minh họa: Trà My |
Những chiếc thúng chòng chành trên sóng nước chẳng khác gì phận đời của người dân làng chài. Hầu hết họ sống phụ thuộc vào biển cả, quanh năm lênh đênh trên sóng nước, đối mặt với nhiều rủi ro. Khi trời yên biển lặng, cá tôm dồi dào thì cuộc sống no đủ. Gặp mùa bấc, nhiều giông gió, thuyền neo bến, thúng úp mặt ven bờ thì họ chỉ biết ngồi trên bãi ngóng vọng ra khơi, than thở. Đời thúng tự lâu đời gắn với sự thăng trầm của người dân xứ biển là vậy.
Ngày trước, kinh tế còn khó khăn, phương tiện đánh bắt còn thô sơ, thúng được đan chủ yếu bằng tre, nong mốt hoặc nong đôi, quét lớp hắc ín và dầu bóng chống thấm. Hiện nay, khắp các vùng biển, thúng vẫn được dùng để tiện đánh bắt ven bờ, phần lớn sử dụng vật liệu tổng hợp, có người còn gắn thêm động cơ để di chuyển an toàn và nhanh hơn. Dù rằng sự phát triển giúp người dân có nhiều cơ hội và thuận lợi hơn nhưng tôi vẫn luôn nhớ về chiếc thúng đan bằng tre thuở nào. Bởi hình ảnh dung dị, gần gũi này đã gợi thức trong tâm hồn về sự yên bình xưa cũ dẫu còn nhiều khó khăn.
Sơn Trần
Ý kiến bạn đọc