Multimedia Đọc Báo in

Mưa rào bất chợt

08:40, 11/09/2023

Đầu tháng bảy vừa qua, anh bạn tôi từ Hà Nội vào Buôn Ma Thuột thăm người thân và du lịch. Buổi chiều nắng vàng óng ả như mật ong, long lanh trên những tán cây bằng lăng, ngọc lan, long não ở Biệt Điện Bảo Đại.

Tôi và anh vừa tản bộ, vừa chuyện trò trên lối cỏ xanh, mơn man gió mát. Anh bảo khí hậu ở đây thích thật, mát mẻ và trong lành quá, chẳng bù cho Hà Nội giờ này đang nóng  37 - 38 độ C. Ở Hà Nội mà đi như thế này vài ba chục phút mồ hôi sẽ túa ra đầm đìa lưng áo, đầu tóc, đưa tay sờ sẽ thấy ướt rin rít, vì không khí ô nhiễm.

Chúng tôi đang vui chuyện, bỗng... lộp độp... lộp độp... Rồi cơn mưa rào rào đổ xuống. Mọi người đang dạo trong vườn Biệt Điện nhanh chân chạy trú dưới các tán cây. Tôi kéo anh bạn vào cạnh gốc ngọc lan sum suê tán lá.

Anh bạn hỏi: Sao không chạy vào mái hiên Biệt Điện kia? Tôi nói: Không cần đâu. Mưa rào ở đây bất chợt tới, rồi cũng bất chợt tan. Mưa chỉ độ chừng ba, bốn phút, vừa đủ thấm trên tán lá, chưa có dư để rơi xuống gốc, rồi tạnh. Ta đứng trú mưa ở đây đủ tốt rồi. Anh bạn ồ, à... ra vẻ đặc biệt thích thú.

Ánh mắt anh long lanh, lấp lánh như ánh mắt trẻ em nhìn theo những hạt mưa nhảy múa trên tán lá. Ánh mắt anh đắm đuối nhìn về phía gốc cây xa xa có một cặp tình nhân nào đó đang kề vai nghiêng đầu vào nhau, như đang thầm thì về câu chuyện hạnh phúc của riêng họ.

Tai anh như vểnh lên để nghe những tiếng chim hót lảnh lót, trong veo để đón mưa. Hai tay anh giơ lên huơ huơ như muốn cầm ngọn gió mơn man, mát lành vào lòng bàn tay...

Biệt Điện Bảo đại
Biệt Điện Bảo đại nằm trong khuôn viên rộng lớn, được bao phủ bởi những cây cổ thụ. Ảnh minh họa: Hữu Nguyên 

Rồi anh cười, nói với tôi điều anh vừa ngẫm nghĩ: Có lẽ cơn mưa thế này cũng là tiền đề cảm xúc để một nhạc sĩ nào đó viết bài hát “Cơn mưa em bất chợt, như tình yêu bất ngờ... Mưa dịu êm như ru, mưa sạch trong cơn khát/ Cơn khát, anh uống đầy giọt mưa em/ Cơn khát, anh uống đầy giọt mắt em...”. Tôi nói với anh: Những cơn mưa rào bất chợt xứ này gợi nhiều cảm xúc lắm. Với những nghệ sĩ sáng tạo âm nhạc thơ ca lại càng tràn trề cảm xúc.

Ngày mới vào Buôn Ma Thuột, cách nay đã gần 40 năm rồi, một lần tớ cũng đi dạo trong Biệt Điện cùng cô bạn thân thì gặp mưa rào. Cảm xúc dâng trào, mấy chục phút sau tớ đã làm được bài thơ, có những câu thế này: “Nắng đang vàng trên tán bằng lăng/ Mưa bỗng tới treo đầy chuỗi ngọc/ Gió mơn man luồn vào mái tóc/ Đang mùa hè chốc lát đã là thu/ Anh lần đầu đến xứ mộng mơ/ Mắt cứ ngây thơ nhìn như trẻ nhỏ/ Cơn mưa thế này quê anh đâu có/ Em khẽ khàng: lạ quá phải không anh?”.

Còn nhà thơ Nguyễn Duy, hẳn cũng từ cơn mưa rào bất chợt của xứ cao nguyên này mà có bài thơ khiến nhiều người mê đắm, phải chép vào sổ tay: “Chiều đang xanh thẳm một màu/ Tự dưng lộp độp ngang đầu, ồ mưa!/ Mưa rào giữa nắng, hay chưa/ Hạt mưa ném thẳng có chừa ai đâu/ Vội vàng ta núp vào nhau/ Mái đầu che lấy mái đầu thoảng hương/ Em đừng trách nhé em thương/ Nào ai biết được giữa đường gặp mưa/ Tiếng em như tiếng gió lùa/ Thôi đừng nói át tiếng mưa, buồn cười/ Từ môi mưa giọt xuống môi/ Nhấm chung một hạt mưa rơi đậm đà/ Áo em ướt lẫn vào da/ Tóc lẫn vào gió, gió là mành tơ/ Mắt em trong đến ngày thơ/ Trong như nắng giữa mịt mờ mưa giăng”.

Anh bạn của tôi reo lên: Tuyệt quá! Tuyệt quá! Quả là mưa rào ở đây nó lạ lùng, gợi cảm. Nó vừa dẫn dụ hành vi, vừa dắt lối tâm hồn tất cả những ai lần đầu được chứng kiến. Nó làm cho con người đẹp hơn, thơ mộng hơn trong mắt nhau. Từ đó, mà thương nhau hơn, gần gũi nhau hơn. Từ đó, mà tình cảm thăng hoa, tình yêu bật mầm rồi nên cây, nên trái. Đấy cũng là điều làm cho con người ở đây gắn bó với nhau, yêu nhau và yêu mảnh đất này hơn. Có phải vì thế mà cậu và bao người xứ khác đến đây đã chọn xứ sở này làm quê hương thứ hai?

                                                      Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Vẫn
08:42, 10/09/2023
Khúc ru ngày về…
07:39, 04/09/2023
Cổng làng
09:22, 03/09/2023
Miền thu
09:22, 03/09/2023
Đôi tay của mẹ
09:12, 03/09/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.