Đón đợi mưa về
Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn
(Trích)
Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi
Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…
Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ lên xanh
Đảo khơi xa sẽ hóa đất liền
Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ
Rồi khao nhau
Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt
Ôi, ước gì được thấy mưa rơi…
Cơn mưa lớn vẫn rập rình ngoài biển
Ánh chớp xanh vẫn lấp loáng phía chân trời…
Ôi, ước gì được thấy mưa rơi
Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát.
………
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn
trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi…
Mưa vẫn giăng màn lộng lẫy phía xa khơi
Mưa yểu điệu như một nàng công chúa
Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa
Thì cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời
Để bao giờ cánh lính chúng tôi
Cũng có một niềm vui
đón đợi…
Trần Đăng Khoa
Cuộc sống của người lính quần đảo Trường Sa những thập niên cuối thế kỷ 20 thật nhiều khó khăn, vất vả. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thấu hiểu điều đó hơn ai hết, bởi chính ông cũng từng là chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Tập bút ký “Đảo chìm” và những bài thơ viết về người lính biển như “Lính đảo hát tình ca trên đảo”, “Đồng đội tôi trên đảo thuyền chài”… của ông đã đi vào trái tim người đọc. Trong bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” sáng tác năm 1982, hình tượng người lính đảo một lần nữa hiện lên đẹp đẽ và sống động với tinh thần lạc quan, yêu đời thiết tha trước muôn ngàn khó khăn, thử thách.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa. (Ảnh Internet) |
Nhan đề bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” đã gợi mở cho người đọc về hình ảnh những hòn đảo giữa trùng dương quanh năm thiếu nước ngọt, cuộc sống thật gian lao và khắc nghiệt. Dù vậy, vượt qua những nghiệt ngã, gian lao, người lính đảo vẫn yêu đời, vẫn “như đá vững bền, như đá tốt tươi”.
Bài thơ bắt đầu bằng một nỗi đợi chờ rất đặc trưng của người lính biển: đợi mưa! Hình tượng những người lính ngồi đợi mưa “bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy” rất đặc tả, rất sống động qua cái nhìn hiện thực trụi trần khắc nghiệt; trong tư thế chờ mưa với con mắt đăm đăm nhìn về phương trời xa xăm. Trong đoạn thơ đầu, tác giả sử dụng ba lần câu thơ “Ôi, ước gì được thấy mưa rơi” cứ láy đi láy lại đầy ám ảnh. Thêm nữa, cái tư thế đợi mưa đến thắc thỏm được khắc họa bằng những hình ảnh thơ đầy ấn tượng và mãnh liệt về cảm xúc: “Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy/ Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi/ Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…”.
Thêm nữa, cái cảnh đợi mưa đến nỗi “mặt chúng tôi ngửa lên như đất”. Thế nhưng mưa vẫn ở đâu nơi chân trời xa lắm, nơi cái ánh chớp xanh vẫn lấp loáng trêu ngươi. Vậy là cơn mưa trong tâm tưởng lại xuất hiện như một tất yếu cứu cánh nỗi đợi chờ của những người lính đảo: “Những màu mây sẽ thôi không héo quắt/ Đá san hô sẽ nảy cỏ lên xanh/ Đảo khơi xa sẽ hóa đất liền/ Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ/ Rồi khao nhau/ Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt”.
Cứ thế nhà thơ thỏa sức tưởng tượng cơn mưa sẽ ùa về trên đảo trong tâm trí của biết bao người lính đợi chờ, mong ngóng. Mưa tắm táp mát lành. Mưa như chưa bao giờ được mưa, đùng đùng sấm sét. Một hạnh phúc vỡ òa trong tưởng tượng, trong cảm xúc miên man và nỗi “thắc thỏm niềm vui không nói hết”.
Hai khổ thơ cuối bài là lời khẳng định của người lính về sự sinh tồn bất diệt của con người và hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi lẽ đảo Sinh Tồn vẫn trong vòng tay của mẹ Việt Nam giàu lòng yêu thương và nhân hậu, người chiến sĩ hải quân vẫn “như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người”. Dù đợi mưa mà mưa không đến, người lính vẫn có niềm vui đón đợi mưa như một lẽ sống đàng hoàng trong tư thế hiên ngang biết vượt lên thử thách, khắc nghiệt, làm cột mốc tiền tiêu canh giữ biển trời Tổ quốc: “Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão/ Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người/ Như đá vững bền, như đá tốt tươi…”.
“Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” có giọng điệu hóm hỉnh, vui tươi, phản ánh cuộc sống của người lính trên những hòn đảo giữa trùng dương sóng nước. Bài thơ nhờ thế đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc