Multimedia Đọc Báo in

Món quà từ gốc rạ…

08:20, 17/12/2023

Trời phập phù mưa, chợt đến chợt đi, họa hoằn lắm mới xen vô chút nắng. Cánh đồng nằm phơi mình trong mưa, nước dưới chân rạ luôn xâm xấp.

Mát trời, đủ nước, lúa chét (*) từ những chân rạ còn sau vụ gặt thừa cơ đâm vọt, tốt bời bời. Càng mưa chét càng mọc xanh. Có đám thổ nhưỡng tốt, chét phủ xanh um trùm lên gốc rạ, nhìn xa cứ tưởng đám lúa thiệt!

Ngày quê còn nghèo, bò mùa mưa cũng phải ra đồng kiếm ăn nên lúa chét mọc đâu đều bị bò liếm (ăn) sạch hết đó. Bò chịu mưa giỏi lắm, miễn có đồ ăn là sẵn sàng lội ruộng dang mưa cắm cúi ngoạm, bứt. Ăn no nê, chiều xẩm còn chùng chình ngoạm ráng miếng, đợi chủ vung roi rượt mới chịu về. Vậy nhưng đồng vẫn còn sót vài ba đám chét ở xa, vất vả đường đi nên cái lưỡi háu ăn của mấy chú bò không với tới.  Số ruộng ấy - trừ những nơi được chủ ruộng giăng dây đánh dấu (phương ngữ Phú Yên gọi là cắm chét), bón phân nuôi lúa chét đàng hoàng đợi chín để gặt - còn đám nào bỏ mặc đều được xem như của thiên nhiên, được bọn nhỏ "khai thác" bằng cách lom lom canh, chờ lúa chét ngả vàng là tranh nhau… xuống mót!

Minh họa: Trà My

Hồi tôi còn nhỏ, mẹ cho tôi con gà, tự nuôi làm "tài sản riêng". Của riêng, đương nhiên chăm kĩ phải biết. Mùa nắng đi chăn bò luôn mang theo túi bóng tranh thủ kiếm cào cào, châu chấu, ốc cua về bồi dưỡng cho gà. Mùa mưa khó tìm "chất tươi" hơn nên lo canh mót lúa chét. Tôi chơi khôn, hễ lúa vừa cườm (hơi hơi vàng, sắp chín) đã "tiên hạ thủ", nhào xuống ruộng bứt trước. Lúa chét bỏ hoang có chín vàng cũng chỉ được độ chừng phần ba hạt chắc, còn toàn lép. Kệ, cứ bứt tới, bó lọn ôm về xổ ra sân cho cô gà mái yêu tự lựa mổ ăn. Đương nhiên gà no nứt diều, lớn nhanh như thổi. Nhanh thật, ngoảnh lại ngoảnh đi từ một con mái mẹ ban đầu tôi đã có thêm đàn gà con; rồi thành gà choai, gà tơ. Tết đến, tôi nhờ mẹ mang ra chợ bán lấy tiền đem nhét vô con heo đất một bụng đầy ụ. Giờ tới phiên chúng nó nhìn con heo mập ú của tôi thèm thuồng, hỏi tiền ở đâu ra? Còn hỏi, tiền bán gà nuôi bằng lúa chét chớ ở đâu trời…

*

… Lại một mùa mưa nữa về. Mấy hôm nay ảnh hưởng áp thấp ngoài biển, đất liền dầm dề mưa. Nhìn ra cửa, qua màn mưa giăng, thấy mấy chân ruộng trước nhà chẳng cần phân lạt vẫn bời bời những đám chét lên xanh. Đồng vắng hoe, chẳng thấy bóng đứa trẻ nào đội nón mang tơi lẫn những chú bò vàng lưng ướt rượt cần mẫn đội mưa liếm chét. Chợt nhớ hôm qua đạp xe đi thể dục, ngang qua cánh đồng gần sông thấy vạt lúa chét chín vàng cũng không ai thèm gặt. Chợt hiểu ra: cuộc sống đi lên, giờ người ta không còn thói quen thu vén chắt chiu như một thời xưa cũ. Tự dưng thấy buồn buồn, tiêng tiếc khi nhớ về ký ức ấu thơ xúm nhau… giành lúa chét! Nghĩ, xong chợt bật cười bởi thấy mình hơi lẩn thẩn: ngày ấy tôi, con nhỏ "trẻ trâu" lên mười, vô lo vô nghĩ. Giờ đây tôi thành bà cô chớm năm mươi. Cuộc sống có bao giờ dừng lại đâu. Gần nửa thế kỷ qua rồi…

*Lúa mọc lên từ những "mầm ngủ" ở gốc rạ đã thu hoạch vụ chính

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Đam mê
08:20, 17/12/2023
Hương bồ kết
08:29, 10/12/2023
Nửa
08:28, 10/12/2023
Làng ơi
05:26, 03/12/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.