Những thức đoạn tình yêu “Từ đuôi mắt Chư Yang”
Vài năm lại đây, văn đàn xuất hiện một gương mặt mới, một nữ sĩ trẻ trung "yêu thơ đắm đuối, say mê và giàu năng lượng sáng tạo, từng bước thẩm thấu những vỉa tầng văn hóa Tây Nguyên". Đó là Trần Nguyệt Ánh, một trong những phát hiện gần đây của thơ trẻ Đắk Lắk.
Là một giáo viên dạy Văn, luôn bận rộn với công việc nhưng Trần Nguyệt Ánh vẫn dành tâm huyết, đam mê cho thi ca. Chị là số ít trong các nhà thơ nữ Đắk Lắk có sức viết dồi dào, không chỉ luôn xuất hiện trên các diễn đàn văn học mà còn đều đặn cho ra đời những tập thơ mới có sức cuốn hút độc giả bởi những nét riêng, luôn tìm cách bứt phá lên chính mình.
Sau hơn 4 năm miệt mài lao động nghệ thuật, Trần Nguyệt Ánh đã có một gia tài kha khá với 4 tập thơ: “Gọi về miền nhớ” (2019), “Miền gió say” (2021), “Vọng núi” (2022) và mới nhất là tập thơ “Từ đuôi mắt Chư Yang”.
“Gói gọi trong 59 bài thơ, Trần Nguyệt Ánh gắm gửi tình cảm, tâm trạng đến những thức đoạn tình yêu, những trở trăn về mẹ, về con, về quê hương qua mạch hồi ức, đặc biệt chị đã vẽ lên được khoảng không gian văn hóa Tây Nguyên nơi mà chị sinh sống, làm việc. Từ con chim kơ-tia đến những chiếc gùi nặng lưng thiếu phụ hay dòng sông, dãy đồi... với thật nhiều hình ảnh đậm chất vùng miền, Trần Nguyệt Ánh đã tạo nên một không khí tràn đầy bản sắc” - nhận xét của nhà thơ Nguyên Như trong lời giới thiệu về tập thơ này.
Tựa của tập thơ “Từ đuôi mắt Chư Yang” như là góc nhìn, là điểm xuất phát thú vị của Trần Nguyệt Ánh. Từ “đuôi mắt” đầy ẩn ý ấy, thi sĩ dẫn dắt người đọc lần lượt đi qua không gian – thời gian dồn nén cảm xúc, tâm trạng của quá khứ - hiện tại – tương lai; của hoài niệm, nhớ thương, tiếc nuối và khát vọng. “Lối em về khắc khoải/ Vệt nhớ phăm phăm găm phố núi/ Lòng đơm nốt trầm khi người bước vội/ Phía sau lưng tan vụn nụ cười,… Em hồn nhiên cúc dại ven đường/ Màu hoa nắng thủy chung đầy thương nhớ/ Chờ bàn chân anh một lần qua phố/ Thắp lên chiều ngọn lửa niềm tin!” (Giấc mơ họa mi).
Thơ Trần Nguyệt Ánh giàu hình tượng, thi ảnh, chất liệu. Những câu thơ “ngổn ngang thi ảnh”: “Gió bất ngờ mở cửa trái tim/ Kỷ niệm ướp đêm tan mềm đông buốt” (Mùa bàng); “Tiếng thạch sùng chạm đêm/ Vỡ vụn khoảng không tĩnh lặng” (Những giấc mơ trôi); “Em trơn trượt trên hành trình/ Chạm ánh mắt ngày đầu lửa cháy/ Câu thơ ngổn ngang tìm đường trốn chạy/ Phiến đá cuộc đời lăn gãy chiêm bao!” (Dốc đời); “Khoét rỗng vầng trăng giấu nỗi buồn” (Đom đóm); “Cha gắp tiếng cười giòn tan trên mâm cơm chiều nhả khói/ Lòng rộn lên khúc nhạc mùa đông” (Cơm chiều).
Nhà thơ tự nhận mình là “phu chữ”, nghe thật vất vả, cực nhọc. Nhưng nghiệp cầm bút là thế, không nhọc nhằn với con chữ “gom nhặt vết thương” “ngổn ngang thi ảnh”, không “móc trái tim mình làm ngọn đuốc” thì sao có “vụ mùa” bội thu?
Với tập thơ “Từ đuôi mắt Chư Yang”, Trần Nguyệt Ánh cũng muốn thử sức mình, mạnh dạn “lấn sân” sang một địa hạt khác mà như Nguyên Như đã nhận xét: “có phút chạm của hậu hiện đại, làm xuất hiện những tâm thức mới, dụng ngôn lạ”. Người đọc có thể cảm nhận được điều đó qua các bài: Đóa tình, Những giấc mơ trôi, Trầm tích, Tái bản trái tim, Dốc đời...
Nhưng có lẽ chạm vào trái tim độc giả một cách sâu lắng nhất là những bài lục bát viết về mẹ, đặc biệt về quá khứ đau thương của dân tộc. Giữa biển trời thi ca đang say đắm với những câu chuyện tình ái, buộc mình với những cảm xúc riêng tư cá nhân thì đây là điều thật đáng trân trọng đối với một nhà thơ nữ tâm hồn luôn cháy bỏng khao khát yêu thương.
Xúc động làm sao hình ảnh người mẹ liệt sĩ: “thanh tân vò võ quạnh hiu/ cả đời trông ngóng những điều hư vô”; “Mẹ ngồi xâu sợi thời gian/ vá niềm đau cũ muôn vàn ỉ ê” để rồi chỉ được “gặp con trong những cơn mê/ nửa đêm nước mắt đầm đìa gối chăn” (Đón mẹ). Và nữ sĩ đã: “Hái vội một đóa hoa tươi/ Đặt trên bia mộ ngàn lời tri ân” những người chồng, người cha, người con đã xả thân vì Tổ quốc.
Còn đây nữa, “Bà mang lục bát về trời” là một bài thơ hay, chan chứa tình yêu thương, kính trọng, hoài niệm của con cháu. Câu mở đầu như một tiếng nấc nghẹ ngào: “Chiều nay nắng tắt lưng đồi/ Bông hoa cúc trắng rụng rồi… Bà ơi!”. Người bà thân yêu ấy “Một đời gánh nỗi gian truân” để bây giờ về với cõi vĩnh hằng: “Bà mang khó nhọc lên trời/ Cho bao nhàn nhã nhẹ rơi xuống trần”.
Trong chúng ta không ai quên được những tháng ngày kinh hoàng giữa đại dịch COVID-19 cách đây vài năm. Lo lắng, hoảng sợ, xót xa… là tâm trạng chung của mọi người ngày ấy khi dịch bệnh quái ác hoành hành. Trần Nguyệt Ánh đã nói lên được điều đó, dù chỉ trong một bài thơ. Lời thơ đậm chất tự sự, như lời thủ thỉ của người cha nhưng sao mà xót tận tâm can: “Nhà mình rời quê ra phố/ Chuyến đi đầy đủ ba người/ Dịch hoạ tai ương ập tới/ Bắt mẹ con sớm về trời”, “Mình về quê thôi con ạ!/ Trên xe vẫn đủ ba người/ Mẹ không ôm con được nữa/ Băng keo giữ mẹ khỏi rơi”. Những tháng ngày đau buồn ấy, chúng ta đã từng bị ám ảnh với những đôi mắt trẻ thơ trên con đường ngàn dặm theo ba mẹ đi bộ hay ngồi xe máy chạy trốn khỏi đại dịch từ Nam ra Bắc: “Ánh mắt giờ con ngơ ngác/ Chưa kịp hiểu hết sự đời/ Vì sao chúng ta mất mẹ/ Giá chỉ là giấc mơ thôi!”.
“Giá chỉ là giấc mơ thôi” để cho cuộc đời này “chỉ gặp những hoan ca”!
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc