Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng lời mẹ hát ru con

09:31, 27/03/2024

Trong lời mẹ hát

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao

 

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”.

 

Khóm trúc, lùm tre huyền thoại,

Lời ru vấn vít dây trầu,

Vầng trăng mẹ thời con gái,

Vẫn còn thơm ngát hương cau.

 

Con nghe thập thình tiếng cối

Mẹ ngồi giã gạo nuôi con

Lạy trời đừng giông đừng bão

Cho nồi cơm mẹ đầy hơn…

 

Con nghe dập dờn sóng lúa

Lời ru hóa hạt gạo rồi

Thương mẹ một đời khốn khó

Vẫn giàu những tiếng ru nôi.

 

Áo mẹ bạc phơ bạc phếch

Vải nâu bục mối chỉ sờn

Thương mẹ một đời cay đắng

Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.

 

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

 

Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

Trương Nam Hương

Bài thơ “Trong lời mẹ hát” của nhà thơ Trương Nam Hương đã được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 (Chân trời sáng tạo), thể hiện nỗi lòng của người con khi nhớ về tuổi thơ ấm áp trong lời ru dịu dàng của mẹ. Lời ru của mẹ vừa bình dị, đơn sơ nhưng cũng lớn lao và cao đẹp lạ thường, nhờ đó đã đưa con đi cùng đất nước thiêng liêng và cuộc đời rộng lớn.

 

Trong khổ thơ mở đầu, tác giả sử dụng thủ pháp so sánh, ẩn dụ để miêu tả lời ru của mẹ. Lời ru ấy chứa đựng biết bao câu chuyện cổ tích, ngọt ngào như dòng sông để đưa con đi cùng đất nước mến yêu, đẹp tươi và bình dị. Lời ru của mẹ chòng chành, đong đưa theo nhịp võng. Mẹ ru con bằng những lời ca dao yêu thương, tình nghĩa, nhờ đó con lớn lên biết được cội nguồn, thấu hiểu lẽ đời từ những gì mẹ trao truyền qua khúc hát ru nôi: “Tuổi thơ chở đầy cổ tích/Dòng sông lời mẹ ngọt ngào/Đưa con đi cùng đất nước/Chòng chành nhịp võng ca dao”. Trong lời ru của mẹ, người con bắt gặp biết bao hình ảnh thân thương, bình dị của đồng quê, thôn xóm: “Con gặp trong lời mẹ hát/Cánh cò trắng, dải đồng xanh/Con yêu màu vàng hoa mướp/“Con gà cục tác lá chanh”.

Không những thế, trong lời ru ngọt ngào của mẹ, tuổi thơ con hiện ra với xóm làng thân thuộc nhưng cũng đầy huyền thoại: Khóm trúc bên hiên nhà, lùm tre trên con đường làng xanh biếc. Đẹp nhất là hình ảnh ẩn dụ “vầng trăng mẹ thời con gái” hiện ra lung linh tỏa sáng như vẻ đẹp dịu hiền, tình yêu của mẹ cha “vấn vít dây trầu” và thơm ngát hương cau ngập tràn kỷ niệm: “Khóm trúc, lùm tre huyền thoại/Lời ru vấn vít dây trầu,/Vầng trăng mẹ thời con gái,/Vẫn còn thơm ngát hương cau”.

Trong lời ru của mẹ, con lắng nghe biết bao nỗi đời vất vả, gian lao mà mẹ đã từng trải qua. Phép điệp “con nghe…” ở hai khổ thơ bốn và năm đã tạo âm hưởng luyến láy như thể nhà thơ tự nhắn nhủ với chính mình và gửi thông điệp đến mỗi người, đồng thời tạo nhịp thơ ngân nga như nhịp điệu ru nôi: “- Con nghe thập thình tiếng cối/Mẹ ngồi giã gạo nuôi con/- Con nghe dập dờn sóng lúa/Lời ru hóa hạt gạo rồi”.

Hai khổ thơ sáu và bảy hiện ra một người mẹ nghèo lam lũ, cơ cực và chịu nhiều hy sinh. Đời mẹ là vậy, không có lấy một tấm áo lành lặn dành riêng cho mình, chỉ có lời ru vẫn thảo thơm nguyên vẹn xuyên thấu thời gian: “Áo mẹ bạc phơ bạc phếch/Vải nâu bục mối chỉ sờn/Thương mẹ một đời cay đắng/Sao lời mẹ vẫn thảo thơm”.

Hình ảnh nhân hóa và nghệ thuật đối lập là hai biện pháp tu từ chính trong khổ thơ thứ bảy. Thời gian vốn vô hình bỗng hóa hữu hình, biết “chạy qua tóc mẹ” khiến cho con cảm tưởng sao tháng năm đi qua nhanh quá, mới đó mà mẹ đã già để rồi thảng thốt khi nhìn trên tóc mẹ đã nhiều sợi bạc, lưng mẹ đã còng xuống nhiều hơn. Nghệ thuật đối lập giữa áo mẹ bạc phếch và lời ru thảo thơm, tấm lưng mẹ còng xuống và con ngày thêm cao lớn đã biểu đạt sâu sắc tình cảm, cảm xúc của nhà thơ về sự hi sinh lớn lao của mẹ.

Đến khổ thơ cuối bài, mạch cảm xúc “Trong lời mẹ hát” khép lại nhưng được nhà thơ liên tưởng khái quát hơn, sâu hơn và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Không để lại tiền tài, vật chất, mẹ chỉ cho con lời ru như đôi cánh thiên thần để con đi cùng trời cuối đất, thấu suốt cuộc đời rộng lớn mênh mông: “Mẹ ơi trong lời mẹ hát/Có cả cuộc đời hiện ra/Lời ru chắp con đôi cánh/Lớn rồi con sẽ bay xa”.

Bài thơ được viết theo thể thơ sáu tiếng, gieo vần gián cách đã tạo nhịp điệu đều đều, êm ả như tiếng ru nôi. Đặc biệt, xuyên suốt tác phẩm, Trương Nam Hương sử dụng nhiều hình ảnh, từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm như cổ tích, nhịp võng ca dao, cánh cò, đồng xanh, hoa mướp, dây trầu, vầng trăng, sóng lúa, hạt gạo, vải nâu, chỉ sờn, cay đắng, thảo thơm… đã diễn tả tinh tế, sâu sắc cuộc đời vất vả, gian nan và sự hy sinh vô cùng lớn lao của mẹ.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.