Multimedia Đọc Báo in

Vũ Hải và tập khảo luận về nhà thơ Hàn Mạc Tử

08:51, 19/05/2024

“Hàn Mạc Tử - Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình” là tập sách khảo luận, phê bình văn học của Vũ Hải mới được Nxb Văn Học ấn hành tháng 12/2023, mang đến nhiều tư liệu tái hiện chân dung về cuộc đời thi nhân bằng chính “tinh huyết” thơ ca và khả năng cảm nhận, giải mã của tâm hồn giàu chất văn chương…

Vũ Hải tên thật là Võ Thị Hải, sinh quán tại Đà Nẵng. Chị từng có truyện ngắn “Người đưa thư và cô gái” đạt giải truyện ngắn hay nhất tạp chí Sông Hương 1986. Gần đây, chị cũng cho ra mắt tập truyện “Những bông hồng vẫn nở quanh tôi” (Nxb Hội Nhà văn, tháng 1/2023). Hiện nay, Vũ Hải định cư và viết văn tại Hoa Kỳ.

 

“Hàn Mạc Tử - hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình” từng được NXB Đà Nẵng ấn hành và ra mắt vào năm 1996. Khi Vũ Hải ra mắt tập truyện ngắn “Những bông hồng vẫn nở quanh tôi” đầu năm 2023 – tập truyện mà chị hoàn thành bản thảo khi nằm viện do bệnh nặng thì tình cờ một người bạn nhắc lại tập sách “Hàn Mạc Tử - hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình”. Chị vô cùng xúc động, quyết tâm tiến hành tái bản tác phẩm như là lần cuối cùng “làm điều này cho thi nhân: Nhóm lại ngọn nến để tìm thấy nhau. Để còn gặp lại gia đình, người thân khi còn có thể…”.

Tập sách chia làm các phần chính: Cảm nhận sự đau khổ với sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử; Hành trang cho thơ; Thơ Hàn Mạc Tử - Những chắp cánh mới… Theo đó, tác giả đã dày công thu thập tài liệu, gặp gỡ những nhân chứng liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Hàn Mạc Tử, để khắc họa nên chân dung nhà thơ với những biến động to lớn có tính bước ngoặt trong cuộc đời.

Cần nhắc lại, trước lúc qua đời, Hàn Mạc Tử có nguyện vọng giao lại toàn bộ di cảo thơ và thư tín của ông cho nhà thơ Quách Tấn giữ gìn, tuy nhiên hầu như tất cả đã thất lạc năm 1945. Điều đó dẫn đến nhiều tranh cãi phức tạp xung quanh vấn đề Hàn Mạc Tử (điển hình vụ kiện giữa Trần Thanh Mại và Quách Tấn). Thêm nữa, bút danh Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử? Thời điểm ra đời của bài thơ tình tuyệt diệu “Đây thôn Vỹ Dạ” ra sao? Từng bước, tác giả Vũ Hải đã dẫn dắt bạn đọc thấu hiểu nhiều hơn thế giới thơ của Hàn: độc đáo, cuồng điên, lạ lùng nhất trong các nhà thơ mới đương đại, mà vốn dĩ xuất phát từ chứng nan y – bệnh phong cùi cùng những mối tình đơn phương vô vọng tới mức tuyệt vọng. Bằng sự nhạy cảm, linh cảm nào đó, tác giả đã theo đuổi, tìm lại dấu vết những người tình trong mộng của Hàn Mạc Tử có tên trong đời thực: Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Thương Thương…

Cố cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc (một trong những nàng thơ của Hàn Mạc Tử) đã bày tỏ: “Vũ Hải là một thiếu nữ đặc biệt, có một tâm hồn đặc biệt. Tôi thấy cô ấy đang yêu Hàn Mạc Tử mặc dù khi Hàn Mạc Tử qua đời cô ấy còn chưa sinh ra”. Ông Đậu Tuấn Ngọc, cựu giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học – Đại học Huế cho rằng, “Hàn Mạc Tử - hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình” là chuyên luận có độ tin cậy cao. Vũ Hải tái hiện chân dung thi nhân bằng chính “tinh huyết” thơ ca và bằng khả năng cảm nhận, giải mã của tâm hồn giàu chất văn chương đối với Hàn Mạc Tử. Nó đã trở nên là sự lựa chọn có tính khoa học”. Ông Ngọc đặc biệt nhấn mạnh: “Trước hết, “Ở đây thôn Vỹ Dạ” mà hiện nay được ghi là “Đây thôn Vỹ Dạ”, cùng với bút tích về bài thơ còn có bức thư độc nhất của Hàn Mạc Tử gởi cho cô Hoàng Thị Kim Cúc tháng 11/1939. Và tên khai sinh của bài thơ là bút danh Hàn Mạc Tử chứ không phải là Hàn Mặc Tử (mà nhiều tài liệu hiện vẫn ghi). Những căn cứ có tính thực tiễn và những lý giải thấu tình đạt lý của Vũ Hải đã làm bạn đọc không một chút phân vân”.

Còn nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Niên (tác giả của “Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử” - tiểu luận Cao học văn chương 1973) khẳng định: “… Hơn ai hết, hơn cả tôi, Vũ Hải có đầy đủ thẩm quyền để viết hay, viết đúng và viết thành công về Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc Tử từ trần, Vũ Hải chưa “ra đời”… Nhưng Vũ Hải là một tài liệu sống về Hàn Mạc Tử. Trong máu thịt, trong tư duy, trong đời sống – suốt hai chục năm trời, suốt đời người thiếu nữ - Vũ Hải đã linh ứng được với Hàn Mạc Tử. Chúng ta còn đòi hỏi chi hơn nữa?...”.

Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc