Sức hấp dẫn của văn học thiếu nhi
Ở nước ta, văn học thiếu nhi đã xuất hiện từ lâu, khi chưa có chữ viết, tác phẩm được sáng tác và lan tỏa dưới hình thức truyền miệng.
Những câu ca dao, dân ca về làng quê, gia đình, thầy cô, bè bạn; những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian; truyện ngụ ngôn; truyện cười... với nội dung trong sáng, hóm hỉnh, với cách thể hiện giản đơn nhưng có sức lay động tâm hồn... trở thành “món ăn tinh thần” của các bạn nhỏ.
Thông qua đó, các em nhỏ rút ra được những bài học, thông điệp vô cùng quý giá, sống đẹp hơn, nhân văn hơn.
Tập thơ "Góc sân và khoảng trời" của nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Những năm tháng chiến tranh, dòng văn học viết riêng cho thiếu nhi vẫn len lỏi như mạch nước ngầm trong mát đổ vào dòng sông văn chương dân tộc. Không thể không kể đến các sáng tác dành cho trẻ em của Tô Hoài như “Dế Mèn phiêu lưu ký” - cuốn sách “gối đầu giường” của trẻ em; sáng tác của người nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi “Cái Tết của mèo con” - câu chuyện xúc động, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. “Hai đứa trẻ”, “Gió lạnh đầu mùa”, “Dưới bóng hoàng lan”... của Thạch Lam; “Tôi đi học”, “Quê mẹ”, “Tình quê hương”... của Thanh Tịnh là những câu chuyện xúc động về cuộc sống hằng ngày, về gia đình, quê hương trong bối cảnh đầy thử thách của đất nước.
Thời kỳ này, nhiều cây bút quan tâm sâu sắc đến đối tượng độc giả là thiếu nhi, tiêu biểu là Trần Đăng Khoa với “Góc sân và khoảng trời”. Nữ sĩ Xuân Quỳnh với hàng loạt những truyện ngắn viết cho con trẻ: “Cô Gió mất tên”, “Cá chuối con”, “Hoa râm bụt”, “Chị em gà con”, “Chú Niệc”, “Quả bầu nhớ đất”, “Mùa xuân trên cánh đồng”... Nhiều tác giả khác cũng có những bài thơ rất hay cho trẻ con như Lâm Thị Mỹ Dạ với “Nàng tiên ốc”, “Truyện cổ nước mình”; Phan Thị Thanh Nhàn với “Chị Võ Thị Sáu”...
Những năm gần đây, văn học thiếu nhi trở thành “mảnh đất màu mỡ” hấp dẫn, gọi mời các cây bút bước vào “vun trồng những hạt mầm” khoẻ khoắn. Nhiều đơn vị xuất bản (tất nhiên không thể thiếu Nhà xuất bản Kim Đồng) đầu tư những dự án sách cho thiếu nhi.
Ngoài những tác giả vốn rất thành công khi viết cho thiếu nhi như Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Nhật Ánh, một số tác giả, tác phẩm khác đáng kể đến là: “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần), “Xa xóm Mũi” (Nguyễn Ngọc Tư), “Cuộc phiêu lưu của chú Sẻ Nâu” (Kao Sơn), “Trên đồi mở mắt và mơ” (Văn Thành Lê), “Tay chị tay em” và “Chuyện kể ở lớp cây me” (Nguyễn Thị Kim Hòa), “Những đôi mắt khoảng trời” (Đào Quốc Vịnh), “Mơ về phía chân trời” (Lê Trâm), “Vịt chị vịt em” (Vũ Thị Thường), “Con cò mồ côi” (Nguyễn Thị Thanh Huệ), “Mùa động rừng” (Sương Nguyệt Minh), “Thủ lĩnh băng vịt đồng” và “Cá linh đi học” (Lê Quang Trạng), “100 cửa sổ” (Phát Dương)...
Viết cho thiếu nhi vốn đã khó, đưa lịch sử đất nước vào văn học cho thiếu nhi lại càng khó hơn.
Ấy vậy mà nhiều tác giả đã thành công khi lựa chọn đề tài lịch sử, chiến tranh và đối tượng độc giả là con trẻ. Bình Ca với “Quân khu Nam Đồng” và “Đi trốn” đã gây xúc động không chỉ với trẻ con mà còn với người lớn khi ông tái hiện lại một thời kỳ gian khổ của đất nước.
Bùi Tiểu Quyên thành công khi viết về Trường Sa qua lăng kính hồn nhiên, trong trẻo của trẻ nhỏ. Những câu chuyện về Trường Sa - phần máu thịt không thể cắt rời của Tổ quốc đã được chị thể hiện xúc động và giản dị qua “Cà Nóng chu du Trường Sa”, “Trường Sa - biển ấy là của mình”, “Phong ba nơi đầu sóng”... Nhà văn trẻ Phan Đức Lộc cũng vừa cho ra mắt tác phẩm “Mùa ban thay áo” - viết về mảnh đất Điện Biên lịch sử, quê hương của anh…
Viết về Tổ quốc, các nhà văn, nhà thơ khẳng định được tinh thần dân tộc, tình yêu đất nước của mình, đồng thời thể hiện khát vọng giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho trẻ con.
Phạm Khánh Duy
Ý kiến bạn đọc