Multimedia Đọc Báo in

Văn chương Tây Nguyên: Còn nhiều “trữ lượng” chưa khai thác

08:53, 27/06/2024

Rừng khô, suối cạn, khí hậu biến đổi, nguồn nước cạn kiệt, không khí ô nhiễm, thiên tai tàn khốc… nguy cơ sinh thái không đơn thuần chỉ là nguy cơ của tự nhiên, của từng địa phương, từng quốc gia mà là nguy cơ của nhân loại, nguy cơ xuyên biên giới, mang tính toàn cầu. Trước thực trạng đó, văn chương đã cất lên tiếng nói bảo vệ sinh thái – “viết vì một thế giới lâm nguy”.

Tây Nguyên – địa hạt của văn chương sinh thái

Thời xa xưa, mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên là mối quan hệ hài hòa. Vì thế, thiên nhiên xuất hiện nhiều trong văn chương với tư cách là bạn của con người.

Giữa con người và thiên nhiên có mối tương giao, tương thông, tương cảm. Từ khi có văn minh công nghiệp, do hành động phá hoại môi trường từ sản xuất và sinh hoạt, mối quan hệ hài hòa đó bị phá vỡ; sự bất hòa trỗi dậy, đến mức mà người ta cho rằng thiên nhiên đã trả thù con người.

Văn chương sinh thái ra đời trong bối cảnh ấy, theo những cách thức khác nhau, tạo nên một dòng văn chương thể hiện trách nhiệm của người cầm bút trong sứ mệnh cứu lấy Trái đất.

Các tác phẩm của nhà văn Trần Duy Phiên được đánh giá là mở đầu cho văn chương sinh thái trong nước. Ảnh tư liệu

Do tính chất đặc thù về địa lý và văn hóa, Tây Nguyên là vùng đất đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự suy thoái môi trường. Vì vậy, đây là một địa hạt mà văn chương có thể khai thác với vô vàn đề tài thuộc nhiều dạng thức khác nhau.

Sự biến mất của các loài động, thực vật; tàn phá rừng; khan hiếm nguồn nước; ô nhiễm môi trường nói chung; lạm dụng khai thác thủy điện, đánh bắt hủy diệt; lâm tặc, khai thác tài nguyên quá mức…; cùng với đó là hệ quả của sinh thái hậu thuộc địa, môi trường hậu chiến tranh, nỗi đau da cam… đang đẩy xã hội vào quỹ đạo của sự phát triển không bền vững.

Ngoài ra, những tấm gương hy sinh trong công cuộc bảo vệ sinh thái; những yếu tố văn hóa - tín ngưỡng bản địa mang dấu ấn sinh thái cũng là những đề tài cần “khẩn hoang” hoặc “thâm canh” trên “cánh đồng chữ nghĩa”.

Tất cả những điều đó đều có thể gợi cảm hứng sáng tác cho các nhà văn, nếu như họ có nỗi suy tư về sinh thái. Về phương diện nghệ thuật, văn chương sinh thái không có gì khác biệt với các loại hình văn chương khác. Phương thức sáng tạo vẫn tùy thuộc vào cá tính sáng tạo và kỹ xảo tự sự của nhà văn. Vì vậy, văn chương sinh thái là một tiềm năng dễ khai thác và cần được khai thác.

Nơi phát sinh đầu tiên của văn chương sinh thái Việt Nam

Trong tất cả các ngành nhân văn, văn chương là lĩnh vực có “phản ứng chậm” đối với tiếng kêu cứu của môi trường, Việt Nam lại là nước thuộc vào hàng chậm nhất trên thế giới.

Thế nhưng, Tây Nguyên lại là nơi phát sinh đầu tiên của văn chương sinh thái Việt Nam. Tiểu thuyết “Trăm năm còn lại”, hai truyện ngắn “Kiến và người”, “Mối và người” của nhà văn Trần Duy Phiên ra đời vào cuối thập niên 1980 được xem là những tác phẩm mở đầu cho văn chương sinh thái trong nước. Vấn đề khai thác vàng, xâm chiếm và bóc lột tự nhiên được ông trình bày một cách ám ảnh qua những đề tài mang đặc trưng văn hóa bản địa và thi pháp truyện đầy sáng tạo, hấp dẫn.

Nhà văn Niê Thanh Mai miêu tả vẻ đẹp của cảnh quan và con người Tây Nguyên; đồng thời, thể hiện bi kịch giấc mơ thành phố mà những người con của buôn làng phải gánh chịu khi từ bỏ nơi chốn hoang dã bình yên này để tìm đến nơi phồn hoa đô hội qua các tập truyện “Suối của rừng” (2005), “Về bên kia núi” (2007), “Sớm mai rực rỡ” (2010), “Phía nào sương thôi rơi” (2021). Nhà thơ Đặng Bá Tiến trong các tác phẩm “Lời chân thành với cỏ” (2008), “Rừng cổ tích” (2012), “Hồn cẩm hương” (2017) “khắc khoải nỗi thương rừng” đã khiến bao bạn đọc thức tỉnh trước nỗi mất mát của hệ sinh thái…

Văn chương sinh thái ra đời trong âu lo và khốn quẫn, khi sinh thái tự nhiên và sinh thái tinh thần trong xã hội tiêu dùng hiện đại của nhân loại ngày một xấu đi và thảm họa môi trường liên tục xảy ra, đe dọa nghiêm trọng đến sự bình yên, ổn định của sự sống trên Trái đất. Văn minh hiện đại mang lại cho con người cuộc sống đủ đầy, tiện lợi nhưng cũng mang đến quá nhiều tai họa sinh thái, uy hiếp sự sinh tồn của nhân loại. Nguy cơ sinh thái tự nhiên, nguy cơ sinh thái xã hội, nguy cơ sinh thái văn hóa... đẩy nhân loại vào âu lo, mất mát, tổn thương. Và đó chính là động cơ sáng tác, cảm hứng sáng tác mạnh mẽ đối với các nhà văn, khiến họ viết ra những tác phẩm văn chương chuộc lỗi với tự nhiên - văn chương sinh thái. Hy vọng rằng, với lực lượng sáng tác đông đảo và tiềm năng đề tài còn nhiều trữ lượng chưa được khai thác, văn chương sinh thái sẽ mang lại nhiều thành tựu mới cho Tây Nguyên.

Tịnh Thy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.