Dưới giàn mướp quê nhà...
Khi những cơn mưa bắt đầu đổ xuống, mẹ tôi lại cặm cụi ra vườn làm cỏ, cuốc đất. Chắc đất biết quê nghèo nên không dám nghỉ ngơi. Cây trái trong vườn lại bắt đầu tách đất vươn cao.
Những luống cà, đậu bắp, cải xanh được mẹ chăm sóc từng chút. Chẳng mấy chốc chúng lại mướt xanh trong làn nắng sớm. Giàn mướp cũng trổ ngọn mà lan ra, kết thành khoảng trời nghiêng nghiêng nắng.
Tôi thường đứng dưới giàn mướp nhìn những nụ hoa vàng lấp ló trong tán lá. Những con ong bầu cũng bắt đầu vo ve đục lỗ quanh giàn mướp. Có khi tôi thấy cả những cánh ong bám đầy phấn hoa bay vù vù trong vườn nhà. Hồi đó, mỗi lần nhìn thấy giàn mướp kết trái, tôi thường nhảy cẫng lên, chỉ chỏ đủ đường nhưng lần nào mẹ tôi cũng đều dặn “không được chỉ tay vào trái, như thế trái sẽ rụng”. Để từ đó về sau, mỗi khi nhìn thấy những trái mướp non xanh lẩn mình trong đám lá, tôi không còn dám chỉ tay vào nó nữa.
Hết giàn mướp này đến giàn mướp khác được mẹ chăm bón kỹ lưỡng. Giàn mục rỗng chỗ nào, mẹ lại lui cui mang cây chêm vào. Lắm khi trời nắng nóng, nhìn giàn mướp khô dây, lá cong giòn là mẹ lại thầm tiếc rẻ một màu xanh mướt soi bóng mặt ao. Không biết có phải đất muốn trả ơn người dày công vun xới mà cây trái vườn nhà lại sum suê đến độ ăn không hết. Mảnh vườn nhà nhỏ bé, được mẹ lấp đầy bằng đủ cây trái. Hết đậu bắp, cải xanh đến đậu đũa, dưa leo. Hết bầu bí thì đến mướp đắng, rau quế. Chẳng bao giờ khu vườn nhỏ thôi bớt xanh từ bàn tay của mẹ.
Minh họa: Trà My |
Tôi bắt đầu học cách làm vườn, chăm bón cây cối quanh nhà. Mỗi ngày tôi lại theo mẹ ra vườn lắng nghe lời thầm thì của cỏ cây, hoa lá. Chợt thấy đời đâu đã quá tất bật, bộn bề. Tôi và mẹ lại có dịp nói về những ngày tháng đã qua. Tưởng như tất cả chỉ vừa mới hôm qua đây thôi, không bao giờ phai nhạt. Mẹ thường nói “đời mẹ ít chữ nên khổ” nên mẹ quyết định cho anh em tôi học hành đến nơi đến chốn. Từ mảnh vườn cây trái xôn xao, mẹ chắt chiu từng đồng bạc lẻ cho anh em tôi được viết tiếp giấc mơ của mình. Nhiều lần trong đời, tôi đã đứng cúi đầu trước khu vườn của mẹ, thầm biết ơn mảnh đất nhỏ màu mỡ đã thắp lên những ngày tháng tươi đẹp trong đời mình. Tôi nhớ những sáng ra vườn, mẹ vẫn lặng lẽ ngồi bó rau, hái trái rồi đem ra chợ bán. Có hôm giữa trời nắng gắt, mẹ một mình bên thúng rau héo lả, mấy trái bầu, mướp khô cuống nhưng mẹ vẫn nhẫn nại chờ đến tan buổi chợ. Những buổi chiều như thế cứ theo chân tôi mà lớn lên, đi khắp muôn phương.
Về bên mẹ, tôi biết yêu cây cối quanh vườn, biết đứng nhìn những thân cây vươn mình đón nắng, biết sẻ chia từ những thơm thảo quê nhà. Bởi mỗi sáng tinh sương, mẹ lại dậy thật sớm ra vườn thu hoạch. Bây giờ cuộc sống đã đủ đầy hơn nhưng mẹ quyết không từ bỏ vườn rau sau nhà. Mẹ vẫn thường nói “rau ở nhà tươi hơn, ăn không hết lại mang cho cô, bác”. Những rổ rau, trái nặng oằn được mẹ chia ra thành từng bọc nhỏ rồi kêu tôi đem cho hàng xóm. Tình nghĩa xóm giềng cũng từ đấy mà gắn bó keo sơn. Những thức quà quê được người quê trân trọng, giữ gìn như nếp sống bình dị, gần gũi có từ bao đời qua, không bao giờ đổi khác. Vậy là vườn cây lại nồng nàn hương thơm mỗi sớm…
Giàn mướp sau nhà đã ra lượt quả đầu tiên. Tôi đã hân hoan biết bao khi thấy công sức của mình được đáp đền xứng đáng. Tôi về mẹ lại vui niềm vui của người gieo hạt. Những cơn mưa mát lành lại ùa về gội sạch bụi đường đời xuôi ngược và mảnh vườn nhà - nơi bàn tay mẹ chăm bón, luôn là chốn dừng chân bình yên nhất trong đời. Và sáng mai, tôi lại cùng mẹ ra thăm vườn, nghe những mầm xanh thao thức dưới chân mình…
Trần Thương Tính
Ý kiến bạn đọc