Multimedia Đọc Báo in

Những hòn vọng phu không hóa đá

08:38, 30/07/2024

Chị tôi

Chờ chồng từ thủa chiến tranh

Chị không đủ sức hóa thành vọng phu

Chờ từ mấy chục mùa thu

Mấy mươi mùa hạ mịt mù tin anh

 

Anh thành chiến sĩ vô danh (liệt sĩ chưa biết tên)

Trái tim người lính kết thành nước non

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Ngày đêm nghi ngút khói hương viếng tìm

 

Chờ trong vô vọng im lìm

Anh thành bất tử trong tim một người

Dẫu không hóa đá mồ côi

Hòn vọng phu với chị tôi… chờ chồng.

                                  Hoàng Ngọc Nam

Bài thơ “Chị tôi” của tác giả Hoàng Ngọc Nam thể hiện sự tinh tế, lắng sâu ẩn giấu trong ba khổ thơ, nói về sự ngóng trông người chồng ở chiến trường mãi không trở về. Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, lớp lớp người cầm súng ra trận và biết bao người đã ngã xuống hy sinh. Theo thống kê từ năm 1945 – 1975, đã có hơn 1.250 nghìn tờ giấy báo tử được gửi về hầu khắp các địa phương trên cả đất nước.

Mở đầu khổ thơ, tác giả nói đến một người phụ nữ có chồng ra chiến trận và người lính ấy đã không trở về. Hết hạ sang thu, người vợ chờ ngóng tin chồng đến khô cạn nước mắt. Có thể tác giả đã nói về chính hoàn cảnh, số phận người chị gái của mình nhưng đây cũng là hoàn cảnh và số phận chung bao phụ nữ Việt Nam thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ: Chờ chồng từ thủa chiến tranh/Chị không đủ sức hóa thành vọng phu/Chờ từ mấy chục mùa thu/Mấy mươi mùa hạ mịt mù tin anh.

Các anh là những liệt sĩ chưa biết tên ư? Thực ra tên tuổi các anh đã gắn liền với non sông, gắn liền với những chiến công đất nước. Có thể các anh đang nằm đâu trong số hơn 10.000 ngôi mộ của Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và rất nhiều nghĩa trang khác trên mọi miền Tổ quốc nhưng chưa xác minh được tên, tuổi. “Trái tim người lính kết thành nước non”, các anh là người bất tử. Trái tim các anh, các chị đã hòa chung trong trái tim dân tộc.

Người vợ chờ chồng trong vô vọng, không biết mộ anh đang nằm ở đâu? “Anh thành bất tử trong tim một người” đã khắc họa tình nghĩa thủy chung son sắt của người vợ nơi hậu phương. Đó cũng chính là hiện thân của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thủy chung, bất khuất chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, tiêu biểu cho truyền thống văn hóa đánh giặc giữ nước của dân tộc. Một dân tộc gan góc, kiên cường, không chịu khuất phục trước bất cứ thế lực bạo tàn nào.

Liên tưởng đến địa danh mà tác giả nhắc đến trong bài thơ, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là địa bàn trọng điểm, là một trong những địa phương in hằn dấu chân của các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang, các đơn vị thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Ngày nay, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 có quy mô lớn thứ hai, quy tụ 10.045 mộ. Cả hai nghĩa trang này mới chỉ là hai trong tổng số 72 nghĩa trang của tỉnh Quảng Trị tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chờ trong vô vọng im lìm/Anh thành bất tử trong tim một người/Dẫu không hóa đá mồ côi/Hòn vọng phu với chị tôi… chờ chồng. Hòn vọng phu được tác giả sử dụng để đồng cảm với tâm trạng và số phận người chị gái của mình. Đó cũng là hình ảnh của nhiều phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Những người mẹ, người vợ tảo tần, chung thủy nơi hậu phương luôn giữ một niềm tin sắc son rằng những đứa con thân yêu, người chồng, người cha, người yêu thủy chung của mình nơi tiền tuyến sẽ trở về khi chiến tranh kết thúc.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng dư âm và hậu quả hết sức nặng nề của nó vẫn còn ở lại, hiện diện trong biết bao gia đình mà chưa thể giải quyết hết nỗi đau về thể xác, tinh thần. Vẫn còn hàng nghìn gia đình chưa tìm được mộ người thân, vẫn còn hàng triệu trẻ em bị chất độc da cam cần được giúp đỡ, còn hàng tỷ mét vuông đất cần phải rà soát bom mìn và xử lý chất độc dioxin...

Cảm ơn tác giả bài thơ đã nói hộ lòng chúng tôi, nhắc nhở những người trẻ hôm nay hướng tới tương lai nhưng cũng phải luôn nhớ về quá khứ rất đỗi hào hùng của dân tộc. Bởi đó là mạch nguồn, lý tưởng, ý chí, niềm tin, lòng biết ơn, là động lực sống để thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Thị Vân Lam


Ý kiến bạn đọc