Multimedia Đọc Báo in

Từ phố núi, có “Ô cửa vẫn sáng đèn” suốt đêm

10:08, 14/07/2024

“Ô cửa vẫn sáng đèn” là tập thơ mới nhất của Lữ Hồng - “nàng thơ” của phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai), bao gồm 55 bài thơ, tựa như 55 giai điệu trầm bổng mà nhà thơ viết ra để ru người đọc. Trong đó, có giai điệu ngọt ngào và ấm áp của tình cảm gia đình, giai điệu thiết tha của tình yêu đôi lứa, giai điệu hào hùng của tình đất nước, sâu lắng của tình quê hương... 

Ngoài 30, Lữ Hồng viết cho riêng mình một “tự khúc”, như món quà để tri ân đấng sinh thành và lưu dấu “nửa đời lối nhỏ/ tháng ngày im ắng sương rêu” (Tự khúc), đó là “nửa đời” chị đi về trên những lối nhỏ phố núi, lối nhỏ của riêng mình. Viết về mẹ, Lữ Hồng quan sát và góp nhặt những hình ảnh rất đẹp về người mẹ tần tảo hiền từ, với “sợi tóc khô/ se đầu mùa ngọn gió” (Mẹ và tháng Ba) cùng gánh hàng nhỏ mưu sinh.

Người mẹ trong thơ chị hiện lên rất đỗi đời thường, chân phương, bình dị với thanh âm vang lên mỗi sớm mai thức giấc vọng sâu vào tâm hồn Lữ Hồng, nuôi dưỡng tâm hồn chị từ thuở nằm nôi đến ngày trưởng thành: “Mẹ kịp buổi chợ đò/ trong sương/ tiếng rao ba mươi năm nghe vẫn lạ/ cái lạnh lửng lơ/ chiếc mền bông không bao giờ đủ ấm/ cho ta rúc mình” (Phía trong thành phố).

 

Như bao người con được sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên nắng gió, Lữ Hồng yêu phố núi Pleiku da diết. Đọc thơ chị, tôi hiểu được vì sao mỗi sớm sương mù giăng giăng, mỗi hoàng hôn tím buồn, mỗi tia sáng loé lên trên mặt hồ... cũng làm cho chị thấy nhớ thương vương vấn. Bởi phố núi là nơi chị sinh ra và lớn lên, là quê hương muôn thuở trong trái tim của chị, là nơi có bóng hình của những người thân yêu, cả những người đã từng đi qua đời chị một lần rồi để lại trong chị những nuối tiếc, bâng khuâng, niềm thương, nỗi nhớ...

Trong thơ Lữ Hồng, núi đẹp như huyền thoại, như cổ tích: “Phố núi mình xuân đón mưa rây/ như sương mờ mùa đông còn sót lại/ có một người con gái/ tà áo ngập ngừng ngóng nắng phía trời xa” (Phố núi của chúng mình).

Phố núi khắc ghi lời hẹn hò trong suốt thời thanh xuân của “ta”, của “em”, của “tôi” - những nhân vật trữ tình với tâm hồn mong manh, trái tim nhạy cảm và quảng đại: “Người đã hẹn đi về phía núi/ để thấy hàng thông châm lá vào chiều/ khi nỗi nhớ gối lên hoàng hôn ngủ/ ta thành ngọn đá chờ trông”, “Người về chưa đá sẽ bạc đầu/ trong nỗi nhớ giữa cánh rừng tuổi trẻ/ tím chiều ấy tím nhành trâm sẻ/ ta vọng tìm nơi đáy mắt cao nguyên” (Đá núi)...

Thơ Lữ Hồng thường thấm đượm nỗi buồn khi chị viết về phố núi. Có lẽ vì “phố núi cao phố núi đầy sương” vốn đã hằn in những nỗi buồn của thiên nhiên, của rêu phong cổ kính. “Những hàng cây cúi mặt đợi chờ/ phố đi đến tận cùng mùa hạ/ vẫn xanh một ngày không nắng/ nhòa vào những mái nhà thưa”, “Ngày đi vào lòng phố/ ta đóng rêu trong mỗi ánh nhìn” (Thêm một lần phố vắng) - những dòng thơ cứ xé thắt tim người đọc mà thoạt nhìn ta cứ ngỡ Lữ Hồng tả cảnh, nhưng chạm vào sâu thẳm, lại thấy có một cuộc tình đã vỡ giữa miền sương.

Nhẹ nhàng và mong manh là thế, song thơ Lữ Hồng là thơ của những nỗi buồn miên man, những nỗi buồn thật đẹp! Tình yêu trong thơ Lữ Hồng thường gắn liền với sự vỡ tan, chia lìa, không trọn vẹn. Thế nhưng, trước dở dang ngang trái ấy, chủ thể trữ tình không đớn đau tột cùng hay u sầu tuyệt vọng. Người phụ nữ trong thơ Lữ Hồng mạnh mẽ trong chính sự cô đơn, khát khao hy vọng trong chính sự phân ly, đổ nát: “Em sẽ tiễn anh như thơ tiễn mùa thu/ như thể mình chưa từng có ngày vì nhau mà thở/ đừng trách bãi bờ phận bồi phận lở/ ta vẫn còn nhau một lối để quay về” (Em sẽ tiễn anh như thơ tiễn mùa thu).

Cái đáng quý trong thơ Lữ Hồng là sự bứt phá khỏi giới hạn của tình cảm cá nhân riêng lẻ để vươn lên thành tình cảm chung của nhân loại, mà chính chị là người đại diện để biểu thị cái tình cảm chung cao cả đó. “Chạng vạng lòng Cha/ tinh mơ tiếng Mẹ” (Tự khúc) đâu chỉ là người cha, người mẹ mà Lữ Hồng một đời tôn kính, đó còn là dáng dấp của những người cha, người mẹ trên khắp thế gian này, cả đời gồng gánh gian lao cho con trưởng thành hạnh phúc.

Chị đâu chỉ viết về phố núi Pleiku - thành phố dấu yêu mà chị say sưa mê đắm, mà viết về những miền đất đã qua trên khắp Tổ quốc mình như “Huế mình!/ thành cao soi bóng thành cao/ câu tuyệt xướng gói vào mê mộng” (Ngồi tựa bâng khuâng), những tháp Chàm “soi da mình đỏ thẫm/ ai nung điệu múa vút trời” (Cổ tháp) dọc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nắng gió, “Hoa Lư vạn dấu hài” (Chiều phố cổ)...

“Không ai rót mời một ly rượu trắng trong/ đốt cho dữ dội hóa lành yên/ cho đắng cay thành dịu ngọt/ thôi thì viết một câu thơ làm chứng/ rằng ta đã tự mềm môi”. Đó là những dòng thơ cuối cùng của tập thơ “Ô cửa vẫn sáng đèn”, giai điệu ngôn từ êm ả và sâu lắng như lời chào tạm biệt người đọc sau khi trải cùng những cung bậc cảm xúc mà Lữ Hồng đã ký thác vào thơ.

Tôi nghĩ, “dữ hội hóa lành yên”, “đắng cay thành dịu ngọt” không chỉ là giấc mơ của riêng “sơn nữ” Lữ Hồng mà còn là khát vọng của bao người, bởi sau tất cả mọi đắng cay giông bão của đời người, yên lành và dịu ngọt là điều mà ai cũng mong cầu, tìm kiếm. Đọc “Ô cửa vẫn sáng đèn”, có thể thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào Lữ Hồng vẫn nỗ lực chuyển tải những năng lượng tích cực nhất đến với độc giả, trong đó có tôi. Và tôi tin rằng, “ô cửa” của riêng chị vẫn sẽ luôn “sáng đèn”...

Phạm Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc