Multimedia Đọc Báo in

Xanh tươi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

09:21, 29/07/2024

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý được bạn đọc nhớ đến với thi phẩm “Khát vọng Trường Sơn”, đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong một cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Mười nghìn liệt sĩ đó là con số (làm tròn) ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ở huyện Gio Linh (Quảng Trị). Những người nằm lại đây là một vạn nghĩa sĩ trận vong, anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Cụm từ “mười nghìn” đã thành “chìa khóa” để nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tạo dựng bài thơ vừa có sức khái quát cao lại vừa có những biểu cảm ấn tượng, cụ thể của những số phận khác nhau, chỉ giống nhau ở một điều lớn lao, cao cả: họ đã xả thân vì độc lập, tự do và cùng về an nghỉ một nơi chốn vĩnh hằng.

Từ đó, nhà thơ liên tưởng: “Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão/ Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh/Mười nghìn cơn mưa mười nghìn cơn nắng/Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh/Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi/Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi/Mười nghìn vết đau mười nghìn vòng trắng”…

Thành cổ Quảng Trị.

Cứ thế nhà thơ dẫn dắt cảm xúc người đọc đến với sự sẻ chia đau đáu, đến với niềm ngưỡng vọng khôn nguôi với những người đang nằm dưới mộ. Đó không chỉ là sự đếm thông thường, dù ở mức ấy thôi cũng đã lay động trái tim, mà cao hơn là những khắc khoải vừa rất thực, rất đời thường của mỗi số phận nằm trong vạn nghìn số phận, lại vừa lung linh nhói buốt trước lớn lao, kỳ vĩ: “Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần/Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn/Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa…”.

Còn bút ký văn học “Đêm chong đèn nhớ lại” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nghe như một câu hát của Trịnh Công Sơn trong ca khúc quen thuộc “Huyền thoại mẹ”.

Tâm cảm của bút ký xoay quanh một mảnh đất nhỏ bé và duyên dáng nép mình bên dòng sông Thạch Hãn, đó là thị xã Quảng Trị. Tác giả tỉ tê chuyện Thành cổ Quảng Trị có lúc được đọc trại là “Thành Cỏ” sau ngày nước nhà thống nhất.

Rồi chuyện mẹ Thỏa giả điên để che mắt đối phương thời chống Mỹ suốt nhiều năm trời để nuôi giấu cán bộ. Mẹ giả điên giống thật đến nỗi ai cũng tin, chỉ có một người biết rõ không phải vậy, ấy là người nằm dưới nắp hầm bí mật ngay dưới nền nhà của mẹ. Hòa bình, thống nhất rồi người mẹ hy sinh vô điều kiện ấy cũng không nặng chuyện công sá mà tiếng bấc tiếng chì sự đền bồi.

Vì rằng, ngay đến đưa con trai duy nhất rứt ruột sinh thành dưỡng dục của mẹ cũng ngã xuống ngay trước ngày chiến thắng thì kể chi chuyện công lao cứu nước. Mẹ có buồn, có giận cũng là thái độ bất đắc dĩ trước thế thái nhân tình. Nhưng không nói mà vẫn phải nói, vì đó là chức phận của lương tri, ăn ở có trước có sau của những người đang sống. Nên khi biết mẹ gặp chuyện thủ tục rườm rà, nhiêu khê mà chậm được giải quyết chế độ chính sách thì ngày ấy người viết đã không khỏi ngậm ngùi.

Rất nhiều người mẹ như thế từ bao đời nay đã không so hơn tính thiệt, lặng lẽ dâng hiến, lặng lẽ hy sinh và cả lặng lẽ thiệt thòi cho đất nước được yên bề thống nhất, không còn cảnh bom rơi đạn lạc, người mãi đợi người... Từ câu chuyện của mẹ Thỏa, tác giả đã gợi nhắc đến lịch sử của Thành cổ, cả việc chọn nơi chốn làm việc cho tờ báo văn nghệ (tức tạp chí Cửa Việt) ngày đầu tái lập tỉnh cách đây ba mươi năm là ở thị xã Quảng Trị thay vì Đông Hà khiến nhiều ngạc nhiên và đàm tiếu.

Nhà văn lý giải: “Nhiều đồng nghiệp khuyên chúng tôi dời trụ sở báo ra Đông Hà, dù sao vẫn đỡ “thiếu thông tin” hơn là ở đây... Ở mảnh đất Thành cổ này, tôi vẫn nhận được những nguồn thông tin thật quan trọng, mà nhiều người khác không biết tới. Thí dụ như hài cốt của những người lính mà những người đi đào nhôm và sắt vụn, hoặc những thợ xây đào lên được hằng ngày từ độ sâu thứ hai dưới mặt đất, thí dụ như Khu nghĩa trang của thị xã hằng tuần đều thêm những ngôi mộ mới mang tấm bia khắc hai chữ “Vô danh”, và thí dụ: những người dân như mẹ Thỏa mà tôi có thể gặp hằng ngày. Đó là những thông tin hết sức quan trọng cho công việc của tôi, chỉ còn ghi lại trong bộ nhớ của Đất. Dù rằng khi nghe tôi giãi bày, trong những cuộc bia bọt, có nhiều người cười tôi là mộng mị”.

Đó là những thông tin nhân văn rất mực mà bổn phận những người cầm bút nhất thiết cần phải biết, biết mà hành xử như một nghĩa vụ của lương tâm.

“Đêm chong đèn nhớ lại”, và phải luôn luôn nhớ, như khi nhà văn nhắc nhở chuyện bức tâm thư của nhân dân thành phố Bô-lô-nha (Ý) gởi cho đồng bào thị xã Quảng Trị dưới cái tên “thành phố tuẫn đạo”.

Người viết ở Thành cổ Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn luôn thao thức và trăn trở, bằng lời văn thống thiết tận tâm can, rằng: “Quảng Trị là thành phố đã chết để cho nhân loại thức tỉnh và tự mình hoàn thiện. Tôi đã chôn cất hài cốt của nhiều liệt sĩ còn gửi lại trên mảnh đất Thành cổ mà tôi đang thừa kế, với tư cách là một người sống sót. Lịch sử được làm nên bởi những người đã chết, và vì thế trong quan hệ với lịch sử, mỗi nhà văn làm công việc của mình với tư cách là một kẻ sống sót. Từ đáy lòng quằn quại, tôi cố gắng giải mã bức thông điệp câm lặng của các anh chị để lại. Rằng, những người chết đi không hề mong ước được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đàng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm”.

Văn chương chuyên chú về con người như thế, nhất là ngưỡng vọng những anh hùng nghĩa sĩ vị quốc vong thân như thế sẽ còn lại lâu dài với nhân sinh.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.