Multimedia Đọc Báo in

Miền sương khói quê nhà

08:36, 04/08/2024

Có lần đứng giữa màn sương đêm ở một chân trời lạ, nhìn những ánh đèn xa xôi lấp lóa trong sương, lòng tôi như có một ngọn lửa thắp lên từ nỗi nhớ quê nhà.

Tôi nhớ bóng quê thấp thoáng giữa bóng sương mờ những chiều tàn xa vắng, những sớm mai dịu đằm một mùi hương thân thuộc. Trong sương, mọi thứ hiện lên tựa giấc chiêm bao bảng lảng nao lòng, gợi về một thời quá vãng êm ả tựa lời ru ngân dài miền sương khói.

Tôi nhớ cảm giác được thức dậy trong nhà mẹ những sớm mai sương la đà buông thấp. Khi cơn mơ đêm trước dường như vẫn còn dư ba, hướng mắt nhìn ra ô cửa sổ sẽ bắt gặp màn sương mai tựa một dòng sông đầy hư ảnh.

Tôi lặng im giấu mình vào nỗi bình yên trong trẻo, thấy tâm trí như thể có một dòng chảy êm ái từ ký ức đổ về. Thức dậy dưới mảnh trời quê và lặng im buông ánh nhìn vào sương trầm gió thoảng, tôi lắng mình cùng những vọng âm như tiếng thì thầm của quê nhà giữa sâu xa tĩnh tại.

Trong sương, vạn vật dường như đều trở nên mơ hồ, mong manh, lác đác vang lên những tiếng gà trễ nải.

Minh họa: Trà My

Sớm mai giữa chốn quê nhà, cái lạnh êm ái đầu ngày chầm chậm tan vào từng cánh gió. Từ tốn và lặng lẽ, mẹ bước nhẹ ra gian bếp nhóm lên ánh lửa hồng tinh sương. Cảm giác ấm áp thân thuộc bắt đầu từ ánh lửa của mẹ bao giờ cũng khiến lòng dạ tôi bồi hồi khó tả. Những vạt khói mảnh mai theo nhau bay lên, len qua ô cửa lam rồi hòa vào làn sương thiêm thiếp.

Tôi lại nghĩ về những câu thơ mà có lẽ đã in sâu vào tâm khảm nhiều người, khiến lòng thổn thức nhớ bao điều cũ càng thân thương: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”. Ngồi bên ngọn lửa thơm mùi khói, nhận ra chẳng có nơi nào trên thế gian cho ta an trú ấm êm và vững lòng hơn gian bếp của mẹ. Thấy đời mình tựa một nhánh sông trôi, dẫu có đổi hướng chuyển dòng, có qua bao thác ghềnh dâu bể rồi cũng xuôi về quê hương.

Trong sương, những buổi chiều tà nơi cố xứ tựa một bức thủy mặc được vẽ vào tâm tưởng. Từng chuyển động giữa nhá nhem sáng tối trở nên thật chậm rãi và khẽ khàng. Sương lành lạnh buông trên vai mẹ ẩn nhẫn quét lá khô rụng đầy quanh sân vườn, lối ngõ. Lá tre, lá xoài từ những rặng cây nghiêng dài bóng thẳm cứ mải miết rơi suốt bốn mùa nắng gió, chao bay trong sương khói rồi nhẹ tênh đậu xuống hiên nhà. Triền cỏ rậm lao xao tiếng dế, những bông hoa nở về chiều, những nếp nhà trầm mặc miền thôn dã, tất cả như níu lòng tôi vào một nỗi nhung nhớ xa xôi.

Tôi nhớ dáng mẹ trong sương gom hết lá khô vào chỗ trống rồi nhóm lửa. Từng vòng khói lam xoắn xuýt bay lên mang hương lá mục gửi vào mây gió. Tôi tự hỏi mẹ đã nghĩ gì trong khoảnh khắc nhìn mãi vào màn sương khói nao nao. Một niềm thương vô hạn dâng đầy khiến đôi khi tôi thấy mắt mình ươn ướt, như là có những hạt sương vừa đọng trên mi, đổ nhòa nơi khóe mắt. Vài sợi tóc bạc của mẹ bay bay giữa sương trắng mơ màng khiến lòng tôi chùng xuống. Trong ánh nhìn tư lự ấy sao mênh mông quá bóng thời gian. Tôi bắt đầu quên những niềm đau thị thành xa ngái, quên những vỡ vụn tuổi trẻ chênh vênh, quên những đêm dài nức nở trong cơn say mịt mùng. Tôi tìm lại mình của thuở lòng chưa biết buồn, ngồi trong vòng tay mẹ nhìn ánh lửa nghiêng chao. Và hơi ấm của mẹ đã dìu tôi vào giấc ngủ êm đềm.

Tôi quay gót đi xa, xa hơn cả những mộng mơ ngày bé dại, thế gian đã rót đầy hồn tôi những vui buồn đa mang. Nhưng sương khói quê nhà bao giờ cũng khiến lòng tôi dịu lại, ẩn chứa cả bao niềm đợi mong giản dị giữa đời này. Tháng ngày trùng điệp cứ chất chồng lên nhau, đôi khi tôi thấy mình đổi khác bởi bao điều quanh mình nơi phố thị. Rồi chốn quê hồn hậu lại vỗ về tôi bởi những thân thuộc tựa hơi thở, khiến tôi quay về chính tôi, vẹn nguyên và chân thật. Sương vẫn buông trên vai mẹ đứng đợi bóng tôi về trước thềm nhà vương gió. Làm sao tôi có thể quên một ánh lửa ấm áp trong sương ở cuối đường về…       

Trần Văn Thiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.