Multimedia Đọc Báo in

Người viết trẻ trước việc khen - chê

09:50, 19/08/2024

Xưa nay, trước một tác phẩm văn học nào đó, độc giả thường có những thái độ khác nhau: hoặc tán dương, ca tụng; hoặc chỉ trích, chê bai; hoặc đón nhận, trân trọng; hoặc phủ định, khước từ...

Tác phẩm có sống được hay không là do trong quá trình tiếp nhận độc giả có thấy được giá trị, tư tưởng nhân văn, tính sáng tạo, độc đáo của tác phẩm hay không.

Ngay cả một số tác phẩm văn học kinh điển, vĩ đại khi mới ra đời cũng từng bị chê bai, phủ định. Vậy thì đối với những người viết trẻ, việc khen - chê là đương nhiên, nhất là khi bước đi trên con đường văn chương vốn dĩ rất nhiều chông gai, thách thức.

Cái khó của một nhà văn nói chung không phải chỉ bắt đầu từ việc phôi thai ý tưởng cho đến khi “đứa con” tinh thần ra đời, mà còn là quá trình chứng kiến số phận của “đứa con” chữ nghĩa, cách ứng xử trước những lời khen - chê. Tỉnh táo luôn là thái độ cần thiết trước những đánh giá từ phía độc giả.

Các trại sinh chụp hình cùng Ban tổ chức, văn nghệ sĩ, giảng viên của Trại sáng tác Hương rừng năm 2024. Ảnh minh họa.
Các trại sinh chụp hình cùng Ban tổ chức, văn nghệ sĩ, giảng viên của Trại sáng tác Hương rừng năm 2024. Ảnh minh họa.

Mỗi cá nhân có quyền tự do trong việc tiếp nhận văn học. Không ai ngăn cản việc khen - chê hoặc đặt ra những quy định phải khen - chê như thế nào. Mỗi người có một quan điểm thẩm mỹ khác nhau nên việc đưa ra những nhận xét, đánh giá về tác phẩm cũng khác nhau. Một khi tác phẩm văn học, rộng hơn là những sản phẩm văn hóa nghệ thuật có mặt trong đời sống của công chúng, thì việc công chúng đón nhận hay không, có phản ứng như thế nào là điều cần thiết. Nó chứng tỏ sự quan tâm của công chúng dành cho tác phẩm, nhất là của những nhà văn trẻ.

Vô cùng đáng quý, nếu nhà văn trẻ nhận được những lời khen - chê có lý từ phía độc giả. Bởi, tuổi trẻ viết văn là thách thức không nhỏ, họ thiếu rất nhiều thứ như trải nghiệm sống, góc nhìn, độ chín muồi... Nhưng với sự non trẻ, niềm tự hào kiêu hãnh về “đứa con tinh thần” của mình mà không phải ai cũng dễ dàng sáng tạo được thường dẫn đến tâm lý “ngông” của nhà văn trẻ. Một vài cây bút vô tình nghĩ mình đã làm tốt lắm rồi, dễ thỏa hiệp với chính mình và cho rằng tác phẩm của mình là… kiệt tác. Trước thái độ và hành vi đó, những nhà văn trẻ cần được tiền bối - những người giàu kinh nghiệm, có cái nhìn toàn diện đưa ra những lời khuyên chân thành.

Khen - chê có lý là những nhận xét, đánh giá trên tinh thần xây dựng, xác đáng, những mong người viết trẻ thay đổi để có những tác phẩm hoàn chỉnh hơn trên hành trình yêu văn chương của mình. Khen đúng và chê đúng là điều cần thiết.

Đối với người viết trẻ, tất nhiên việc dấn thân, trải nghiệm, sáng tạo, bứt phá trong quá trình sáng tác văn học là điều trước hết và trên hết, nhưng bên cạnh đó, việc tỉnh táo trước những lời khen - chê, khả năng gạn lọc những nhận xét, đánh giá của độc giả về tác phẩm của mình cũng quan trọng không kém.

Phạm Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc