Multimedia Đọc Báo in

"Rau đắng sau hè" - Cười mà buồn, mà xót xa

10:05, 25/08/2024

(Nhân đọc tập thơ “Rau đắng sau hè” của Trần Đình Nhân, NXB. Hội Nhà văn, 5/2024).

Rau đắng sau hè” là tập thơ có giọng điệu khác hẳn 4 tập thơ đã xuất bản trước đây của nhà thơ Trần Đình Nhân (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, hiện cư trú tại huyện Krông Pắc). Khác, bởi chất giọng giễu nhại, hóm hỉnh xuyên suốt tập thơ. Trong khi đó, các tập thơ trước của anh giọng điệu chủ đạo là trữ tình, thể hiện tình cảm, tình yêu với quê hương; tình thương, lòng cảm phục với những người mẹ, người chị phải chịu đựng nhiều mất mát, khổ đau trong chiến tranh, sống hiền thục, nhường nhịn, cả đời vì chồng, vì con...

Tập thơ “Rau đắng sau hè” gồm 114 bài. Khi đọc tập thơ này, tôi tưởng tượng tác giả đang ngồi một mình trong góc vườn nhà yên tĩnh, vừa nhấm nháp chè xanh, vừa ngẫm nghĩ sự đời, chuyện đời, rồi cười hóm hỉnh. Đó cũng là lúc những câu thơ bất chợt hiện ra và được anh nhanh tay ghi lại - những câu thơ không định trước, không nhiều dụng công chọn ý, chọn từ. Cũng vì vậy, đời có hàng trăm thói hư, tật xấu, hàng trăm chuyện đáng chê cười đã được thể hiện trong tập thơ này của Trần Đình Nhân. Dĩ nhiên, thơ không phải là cáo trạng, nên ta chỉ thấy những chuyện “trái khoáy” của cuộc đời thấp thoáng ẩn hiện dưới cái áo khoác ngôn từ, giọng điệu giễu nhại, hóm hỉnh, đủ để người đọc bật ra nụ cười nửa miệng, cười mà buồn, cười mà xót xa...

Chẳng hạn anh viết về một vị quan có thói trăng hoa, thích “ăn phở”, khi về hưu còn phải đèo bòng khổ sở: “Trời sinh ra số khổ/ Về vườn vẫn chưa yên/ Cơm, đòi vén tịnh lên/ Phở, đe bà ghểnh sĩ/ Lo đối phương chiếu bí / Khớp gối mỏi, lưng đau/ Đầu cứ như búa bổ” (trang 16). Đúng là rất hóm hỉnh! Anh viết về chuyện chạy chức, chạy quyền thông qua hình ảnh cái ghế: “Cái ghế là cái ghế cao/ Đã bao nhiêu kẻ ngã đau vì mày/ Cái ghế là cái ghế dài/ Có bao nhiêu kẻ thực tài héo hon” (trang 20). Không có đủ trình độ mà “chạy” để được ngồi “ghế cao” thì tất yếu sẽ có ngày ngã đau. Cũng vì có kẻ chạy chọt chiếm mất “ghế cao”, nên không ít người thực tài, có đủ năng lực, trình độ không được đề bạt, cất nhắc, vậy nên “héo hon”(!). Đây là điều đã diễn ra không ít trong thực tế, nhưng cũng là điều “khó nói”; Trần Đình Nhân đã nói ra được bằng thơ để phê phán, cũng là điều đáng trân trọng.

Anh giễu nhại thói đời chỉ quen ăn hiếp kẻ yếu, nhưng thấy kẻ mạnh thì né tránh, sợ sệt, sống không có bản lĩnh: “Mèo mướp vừa tha miếng thịt/ Dân làng kẻ đập người phang/ Hổ vằn vác cả con mang/ cả làng đều im thin thít” (trang 10). Anh châm biếm thói sống xu nịnh kẻ có chức có quyền: “Sếp vừa sổ mũi hắt hơi/ Rần rần đệ tử thịt xôi tới liền/ Làm xong thủ tục, tất nhiên/ họ ngồi nán lại hồn nhiên nịnh đầm:/ Chúng em phục sếp có tâm/ có tài dụng mộc có tầm nhìn xa/ Chính trường bão táp phong ba/ vững tay chèo lái thuyền qua sóng cồn” (trang 12). Thế nhưng: “Từ ngày lĩnh sổ nghỉ hưu/ chẳng còn thấy lũ “liu điu” tới nhà. (trang 13).

Rất nhiều những chuyện đời, sự đời, thói hư, tật xấu được Trần Đình Nhân châm biếm bằng thơ, như hiện tượng lăng xê, quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội; hiện tượng tâng bốc lẫn nhau vì họ hàng, cánh hẩu; thói hợm mình khi có chút thành tích, công lao; tệ nạn đĩ điếm; bệnh ăn cắp vặt, đục khoét tài sản nhà nước... Cách viết của Trần Đình Nhân gần với thơ ca dân gian, như ca dao, đồng dao, nhiều câu thơ mang dáng dấp thành ngữ, nên đại chúng rất dễ tiếp nhận. Ý tứ, thái độ châm biếm, giễu nhại của Trần Đình Nhân cũng vừa phải; ngôn từ có chỗ sâu cay nhưng không độc địa, không làm cho người đọc “sợ sệt”, mất niềm tin vào cuộc sống. Người đọc đồng tình với anh, vui, buồn cùng anh và có chung thái độ phê phán về những thói hư tật xấu để cùng bảo ban nhau và giáo dục con cháu.

Theo tôi, nhận xét sau đây của nhà thơ Trần Thế Kiên (Hà Nội) về thơ Trần Đình Nhân là xác đáng: “Rất nhiều bài thơ của Trần Đình Nhân chạm đến những góc khuất, những vấn đề nhạy cảm của kiếp người, cảm xúc thơ anh chạm đến cái biên giới mong manh giữa quy chuẩn và lệch chuẩn... Nhiều chỗ câu chữ rất sát ván, nhưng nó vẫn thoát khỏi sự tầm thường”. Đấy chính là sự thú vị của “Rau đắng sau hè”.

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc