Multimedia Đọc Báo in

Thu ở trong nhà

16:51, 26/08/2024

Ngoài ban công, trên sân thượng từng vạt lá đã xôn xao mùa thu tới. Nắng thôi khô khát, mưa trở mình, mây vắt ngang trời lững thững trôi. Và sau những kiệt cùng cuối hạ, từng nụ hoa vừa chớm nở vui đùa bướm ong.

Sớm nay, như mọi khi, em hé từng ô cửa nhỏ, lật mở một khoảng trời. Thu đến thật rồi. Hoa đầy hương, sắc màu bừng tỉnh thôi thúc. Rót một chút nước vào lọ gốm, em xoa dịu từng lát cắt, từng bông hoa nép vào nhau cao thấp, chúm chím nở nụ cười.

Chiều qua đi chợ, em lượm những trái thị vẫn còn ương chưa chín mà hôm nay đã dần ửng vàng. Hương thị thoang thoảng khắp nhà. Anh đan chiếc võng thị tuổi thơ bao năm nâng niu, nhìn ngắm, chìm đắm. Từng mắt võng đan xen nhớ tiếng kẽo kẹt ru hời. Mỗi chiếc võng chỉ đựng một trái thị.

Cổ tích đâu đây còn ngân lên khe khẽ: "Thị ơi thị rơi bị bà/ bà để bà ngửi chứ bà không ăn". Bọn trẻ suýt xoa, có vẻ thích lắm. Chúng muốn đeo võng thị lên cổ rồi đạp xe ra ngõ chạy mấy vòng cho hương thị loang xa.

Em cầm chiếc chổi ra trước cửa nhà quét lá. Lá không nhiều nhưng sắc vàng của lá vẫn làm xao xuyến bước chân. Ta nhớ những mùa thu hò hẹn. Đi dưới vòm cây, dắt tay nhau thong dong dạo bộ.

Có lần chiếc xe đạp non hơi phía sau, anh bảo em ngồi lên tay xe phía trước, bám vai anh. Trên vai chúng ta không biết tự lúc nào đã nồng nàn mùi hoa sữa. Cái mùi hoa đậm đặc đủ giữ cho ta khoảng cách chẳng thể đến gần. Bởi hoa sữa là hương thơm cho cả con đường, cho cả khu phố, cho cả công viên.

Người ta chia sẻ mùa thu cho nhau để phố dịu đi, lòng người dịu đi. Đó là vòm của nỗi nhớ, của tình yêu nồng nàn, lãng mạn. Và có khi là níu kéo từng bánh xe chậm lại, bừng tỉnh bao khuôn mặt héo hắt, bụi bặm qua đường.

Minh hoạ: Trà My

Chiếc bàn đã bày sẵn món ngon em nấu. Bình siêu tốc đều đều tiếng nước reo. Lát nữa sẽ có một cốc nước pha mật ong thêm vài lát chanh mát lạnh, sảng khoái. Em lau tay vào chiếc tạp dề rồi nhìn anh âu yếm. Chiếc tạp dề quen thuộc nhắc anh nhớ câu chuyện cô Tấm bước ra từ trái thị.

Cuộc sống hiện đại có không những cô Tấm ở trong nhà. Anh hay đặt ra câu hỏi rồi tự trả lời. Nếu như mỗi gia đình đều có cô Tấm nhẹ nhàng, âm thầm, lặng lẽ thì cũng tuyệt vời lắm nhỉ. Âm thầm như thu về tự lúc nào mà chỉ khi dậy hương mới thấy.

Lại nhớ, bà cụ trong câu chuyện thật khôn khéo. Biết chọn thời điểm để bắt gặp nét dịu dàng, nhu mì, đôn hậu. Nếu đã là cô Tấm thì đâu cần chiếc vỏ để giấu mình. Cái nết na, thùy mị vốn có như bản ngã, như làn gió nhẹ mong manh chớm thu. Chỉ cần thoang thoảng đủ để gợi nhắc, gợi nhớ. Chạm hờ tóc mai đủ để xao động những ngày dài.

Em ngồi trước gương chải lại mái tóc. Anh thấy được hình ảnh người con gái dịu dàng như nước, nhu hòa như nước, mềm mại, nữ tính đầy thu. Anh hay trêu đùa em cắt ngắn nữa đi khỏi phải gội đầu. Bây giờ hương nhu, bồ kết liệu có còn thôi thúc như xưa. Ngày chúng mình ngồi ở bờ kênh ngắm trăng, ngắm sao, gió đồng man mác, hương quê man mác. Khi đó hương thu đậu trên tóc em vấn vít. Anh đã ước, giá mái tóc này cứ đen nhánh, suôn dày mãi nhỉ. Em bối rối thì thầm: "nếu thế chẳng phải anh quá tham sao, hay chỉ vì anh thật lòng, chung thủy với thanh xuân". Giờ thì anh biết tóc chớm rụng từ đâu, chớm bạc từ đâu. Chiếc lược thưa gắn với sợi nhớ, sợi thương đã thêm dày. Em chỉ để ngang vai như đủ níu giữ thanh xuân, như đủ mềm lòng mỗi khi phảng phất dậy mùi thương nhớ.

Mỗi năm, thu vẫn gõ cửa lòng mình như thế. Anh lại lần nữa xao xuyến, muốn hò hẹn lại từ đầu. Chẳng biết cổ tích đến từ đâu nhưng có em ở trong nhà mọi thứ đều thu, đều nhẹ lòng, dễ chịu, êm ái. Chúng ta cùng nhau nấu ăn, trồng cây, cùng nhau vun vén tổ ấm hạnh phúc thì chẳng phải ngày nào cũng là thu sao. Em rót vào tai anh lời nhắn nhủ thầm thì, khe khẽ: "Anh nhớ nhé! Thu chẳng ở đâu xa. Thu gần thôi, thu luôn ở trong nhà".

Dương Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.