Tây Nguyên và những nỗi niềm...
Sau ba tập truyện ngắn khá thành công, tiêu biểu là cuốn “Rừng xa” được giải B toàn quốc “Cuộc vận động sáng tác quảng bá tác phẩm báo chí, văn học về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022”, lần này Đặng Bá Canh (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Nông) tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Gió rừng thăm thẳm” khá dày dặn.
Điều này chứng tỏ cảm hứng sáng tạo và vốn sống của nhà văn rất dồi dào, phong phú.
Cũng như ba tập truyện ngắn trước, đề tài rừng, những vấn đề kinh tế - xã hội có liên quan đến rừng vẫn được Đặng Bá Canh quan tâm, suy tư trăn trở nhiều nhất. Dĩ nhiên, so với ba tập truyện đã xuất bản trước thì rừng và những vấn đề liên quan đến rừng trong cuốn tiểu thuyết này được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn cả về không gian và thời gian. Dù tác giả không nêu một cái tên huyện, tên tỉnh cụ thể nào của Tây Nguyên, nhưng đọc tác phẩm, người đọc nhận ra ngay những vấn đề của Tây Nguyên, thuộc về Tây Nguyên.
Tây Nguyên hiện lên trong “Gió rừng thăm thẳm” là một Tây Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề nổi bật là quản lý, khai thác, phát huy tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng giàu có sao cho hiệu quả. Thế nhưng, do bất cập trong một số chủ trương, chính sách; do không ít cán bộ địa phương thiếu năng lực, trình độ; nghiêm trọng hơn, một số kẻ tha hóa, biến chất lợi dụng chức quyền vơ vét tài nguyên làm giàu..., khiến vấn đề quản lý đất đai, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên mấy thập niên gần đây có nơi có lúc trở nên phức tạp, không kiểm soát được. Hậu quả là, đất đai, rừng cây rơi vào tay một số kẻ cơ hội, rơi vào tay lâm tặc, rừng bị tàn phá trơ trụi, trong khi đó người dân cần đất sản xuất lại không được giao đất.
Để thể hiện những vấn đề trên, Đặng Bá Canh đã xây dựng được một số nhân vật chính có hồn cốt, có số phận xuyên suốt tác phẩm. Các nhân vật đều có những hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh công việc, có những suy nghĩ, tính toán, cảm xúc rất đời, rất người, đại diện cho cả hai mặt tích cực và tiêu cực.
Trong tiểu thuyết này, đơn cử cho một số quan chức cơ hội, tiêu cực là Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Bá và Phó Chủ tịch tỉnh Y Lâm. Hoàng Văn Bá là kẻ ghê gớm, từ một dân quân xã, nhưng biết dùng nhiều thủ đoạn, mánh khóe quan hệ với cấp trên để từng bước leo cao: làm chủ tịch xã, rồi trưởng trạm kiểm lâm Bù Manh - một cái ghế như “bùa mê thuốc lú”, “tiền vào như nước”. Khi đã “no tiền” ở Bù Manh, Bá lại “chạy” sang huyện, làm Phó Chủ tịch huyện, rồi Bí thư Huyện ủy.
Có chức, có quyền, có nhiều tiền, rửng mỡ, Bá nhanh chóng quên bà vợ ở nhà “mỗi khi về đụng phải là nghe mùi mồ hôi khăm khẳm” để đến với em Lụa, sau đó là em Chung Tình - chủ quán cà phê trẻ đẹp, “má phấn môi hường, lúc nào cũng thơm tho”.
Y Lâm phần nào thật thà hơn, thẳng thắn hơn trong công việc, nhưng cũng không thoát khỏi cái “bùa gái”, để cô bồ Tuyết Nhung và con trai Y Nhân lợi dụng trục lợi đất rừng khi có chủ trương giao đất rừng cho doanh nghiệp quản lý. Hành vi, tư cách của hai lão này nhờ khéo che đậy, dẫu không bị kỷ luật gì nhưng cuối cùng khi nghỉ hưu đều bị đệ tử “cắm sừng”, bồ trẻ “đá” bay, sau khi đã cuỗm được của hai lão cơ man là tiền bạc, đất đai, nhà cửa.
Nhân vật phản diện xấu xa nhất trong tác phẩm là Trường Râu. Một kẻ xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ, thất tình, từ miền Bắc chạy vào Tây Nguyên, được bà cụ Trí (một người đồng hương, mẹ của Hoàng Văn Bá) giúp đỡ, cưu mang, gả cả cháu gái là Nhàn cho Trường, cho cả đất đai để Trường dựng nhà, làm rẫy sinh sống, “vì thấy Trường khỏe mạnh, thật thà, sống có tình cảm”. Nhưng rồi khi bắt tay được với những kẻ khai thác, buôn bán gỗ lậu, bằng nhiều mánh khóe cao tay, táo bạo hơn người, Trường bắt đầu phất lên, trở thành trùm gỗ lậu.
Bấy giờ bản chất phản bội, lừa lọc, xảo trá của Trường bắt đầu được phơi bày ra tất cả. Triết lý của Trường Râu là tiền: “Có tiền mua tiên cũng được. Tiên còn mua được huống chi mấy ông cán bộ ở cái địa bàn này”. Nhưng kết cục, “triết lý của Trường cũng có lúc sai toẹt”. Khi cho người khai thác gỗ lậu quý trong Vườn Quốc gia Yang Kinh, Trường đã bị bắt, phải lĩnh án 15 năm tù. Tiền đã không cứu được hắn.
Ngoài các nhân vật tiêu cực, tiểu thuyết vẫn có những nhân vật tích cực, sống tình nghĩa, nhân văn, yêu quê hương, yêu rừng. Ma Rút là một nhân vật như vậy. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu, ông vẫn sẵn sàng gánh trách nhiệm trưởng ban quản lý rừng cộng đồng, để tập hợp, đoàn kết dân làng bảo vệ bằng được cánh rừng ít ỏi còn lại. Đọc tiểu thuyết ta cũng phải quý mến trân trọng tấm lòng chất phác, thương người như thể thương thân của bà cụ Trí; trân trọng, cảm thông hơn tình yêu của Thủy với Bính, tình yêu của Nhàn với Trường. Việc tác giả đan lồng được những câu chuyện tình của nhiều cặp trai gái một cách hợp lý trong tác phẩm (Hoàng Bá - Lụa/ Chung Tình, Y Lâm - Tuyết Nhung, Trường - Loan/ Nhàn, Đại - Uyên/ H’Han...) đã góp phần làm tác phẩm “mềm mại” hấp dẫn hơn.
Với cách bố cục mạch chuyện theo diễn tiến của thời gian, sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, lối hành văn nhiều cảm xúc, nên “Gió rừng thăm thẳm” là một cuốn tiểu thuyết “dễ đọc”, như nhận xét của nhà văn Tống Phước Bảo (TP. Hồ Chí Minh) là “dù khá dày nhưng đọc không khô, không gãy mạch cảm xúc và thú thật không ngán”.
Phan Vũ
Ý kiến bạn đọc