Thêm trân trọng sự quý giá của hòa bình
Cuốn sách “Những mảnh ký ức 1979 - 1989 chuyện kể từ biên giới phía Bắc” (Nhà xuất bản Trẻ, 2024) là tập hợp những câu chuyện được kể của gần 120 người - là những người lính tham gia cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Trung Quốc, bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 35 - 45 năm; và của những người dân vùng biên giới đã sống và chứng kiến những sự kiện đó.
Đọc cuốn sách, không ít người - như tôi - sẽ tường tận hơn về một giai đoạn lịch sử khốc liệt, đau thương và không kém phần hào hùng để bảo vệ toàn vẹn biên cương Tổ quốc.
Như Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 đã viết: “Biên cương đã im tiếng súng, nhưng thời gian không thể làm suy suyển sự thật và bản chất lịch sử. Lịch sử cần được nhìn nhận, ghi nhớ, không phải nhen lên thù hận dân tộc, mà để xây đắp cho ước vọng hòa bình, để chúng ta không bao giờ bị bất ngờ trong nhiệm vụ tối hậu: bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng”.
Đúng như tên gọi, cuốn sách là sự chắp nối “những mảnh ký ức” về chuyện sống, chiến đấu của những người lính, những người dân vùng biên giới phía Bắc.
Những người lính ra trận trong hoàn cảnh thiếu thốn, thậm chí không có kinh nghiệm chiến đấu, cũng rất sợ “mưa bom bão đạn” nhưng trách nhiệm, nghĩa vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn được đặt lên trên hết.
Như Thiếu úy Nguyễn Văn Toàn, Đại đội trưởng Đại đội 2, người chỉ huy trận địa phòng ngự ở dãy núi Thâm Mò (Lạng Sơn) đã khẳng khái trả lời cấp trên của mình: “Những quả đồi chúng tôi đang giữ đây, tuy là khung cảnh hoang vu nhưng nó là biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, hàng nghìn đời cha ông ta đã đổ xương máu mới có đến hôm nay. Hơn nữa, phía sau chúng tôi là nhân dân và Thủ đô Hà Nội, khi bị xâm lược chúng tôi có thể phải hy sinh nhưng chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”. Sau này ông Toàn đã hy sinh ngay chính vị trí mà ông đã chốt giữ, bảo vệ!Ám ảnh nhất trong những câu chuyện kể là những mất mát, hy sinh quá lớn của người lính. Đó có lẽ cũng là tâm tư trĩu nặng trong lòng những người may mắn còn sống trở về sau cuộc chiến. Cựu chiến binh Dương Minh Thạch (Tỉnh đội Cao Bằng) suốt đời không thể quên người đồng đội hy sinh khi đang mặc chiếc áo của ông cho mượn: "... áo bị 5 - 6 viên đạn xuyên thủng xung quanh. Mình nhìn cái áo đó mà cảm thấy như cơ thể của mình bị thương, như thể cái áo đó thay sinh mạng của mình”.
Đó còn là niềm day dứt khi nhớ về những đồng đội đã nằm lại nơi trận địa vẫn chưa được về với quê nhà hay những người chưa xác định được danh tính.
Ông Nguyễn Xuân Thu, tiểu đoàn trưởng một đơn vị ở Lạng Sơn trăn trở: “Tôi cũng luôn nghĩ về một số liệt sĩ của đơn vị chưa xác định được danh tính. (...). Vẫn còn một số bộ đội của tôi nằm ở các nghĩa trang từ Đồng Đăng tới Cao Lộc, vô danh. Có lẽ điều này sẽ day dứt tôi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay”.
Theo thống kê của các sư đoàn từng chiến đấu ở Vị Xuyên từ năm 1984 đến năm 1989, có 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, một nửa chưa tìm thấy hài cốt (trích trong Cuốn sách “Những mảnh ký ức 1979 - 1989 chuyện kể từ biên giới phía Bắc”). |
Đọc các câu chuyện mới hiểu vì sao đến nay vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Đó là bởi quân địch gài mìn khắp nơi, kể cả bên dưới xác những người lính tử trận.
Chính vì thế, khi những người lính sau này đi thu dọn chiến trường cũng bị mìn gài ở xác đồng đội nổ tung mà chết, hoặc bị thương. Đau lòng nhất là thi thể người chết cũng không còn nguyên vẹn nữa.
Khốc liệt nhất là trận đánh vào các cao điểm như cao điểm 722 (Vị Xuyên) ngày 12/7/1984, sự hy sinh vô cùng lớn, đến nỗi sau này 772 bị gọi là “đồi thịt băm” và ngày 12/7 được các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên coi là “ngày giỗ trận”. Nhiều liệt sĩ hy sinh song không đưa xuống ngay được, sau đó thi thể bị phân hủy hoặc không còn nguyên vẹn nữa.
“Không tìm được đồng đội” là nỗi day dứt đến tận hôm nay của các cựu chiến binh, như lời kể của ông Trần Côn Sơn: “Chúng tôi cứ đi sờ quần để nhận diện, vì cán bộ chỉ huy mặc quần nilông mà lính thì quần vải thường. Nhưng tôi không tìm được các anh ấy. Anh em ăn cùng nhau, sống cùng nhau, đi trinh sát địa hình cùng nhau, làm tất cả mọi việc cùng nhau. Tôi áy náy đến bây giờ vì không tìm được các anh”.
Khép lại cuốn sách với bao nhiêu cảm xúc từ những câu chuyện đã được kể ra, cả những thông tin quý giá về một thời lửa đạn nơi biên giới phía Bắc mà không nhiều người biết được, chúng tôi càng thấm thía hơn sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước để mình có được cuộc sống bình yên như hôm nay. Đúng như lời nhóm biên soạn đã kỳ vọng: Những mảnh vụn được chắp nối từ hồi ức của những người trong cuộc quả đã giúp chúng tôi - những người đọc và là thế hệ sinh ra, lớn lên trong hòa bình - cảm nhận rõ hơn về sự khốc liệt của chiến tranh và thêm trân trọng những gì ta đang có hôm nay…
Hồng Hà
Ý kiến bạn đọc