Thơ của một người yêu nước mình
“Bài thơ của một người yêu nước mình" của nhà thơ xứ Huế Trần Vàng Sao ra đời năm 1967. Đây là bài thơ nổi tiếng, từng được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20.
Năm 2021, tập thơ cùng tên của nhà thơ Trần Vàng Sao được giải Sách hay của năm. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: "Trần Vàng Sao đã từng bị nghi ngờ, nhưng rồi ông đã cho thấy ông yêu nước theo cách của mình, yêu nước đến tận cùng, sống hết mình, bằng tất cả tình yêu chân chính của một trái tim cởi mở. Ở đâu và thời nào cũng có thể có những cuốn sách, những tác giả phải thăng trầm nổi trôi như trường hợp Trần Vàng Sao, nhưng lúc này ông đã được ghi nhận chính thức và xứng đáng".
“Bài thơ của một người yêu nước mình" dài có hơi hướng của một trường ca, tác giả như muốn trải lòng trên trang giấy: “Buổi sáng tôi mặc áo đi giày/ ra đứng ngoài đường/ Gió thổi những bông nứa trắng bên sông/ Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua/ Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà/ Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé/ Tôi yêu đất nước này như thế”.
Người yêu nước Trần Vàng Sao đã mở đầu bài thơ như vậy đó. Cảnh tượng của một làng quê thân thương, thân thuộc, thân tình có sắc màu, hương vị quê nhà da diết nỗi lòng khi nghĩ đến những gì yêu dấu nhất.
“Mỗi buổi mai/ Bầy chim sẻ ngoài sân/ Gió mát và trong/ Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng/ Tôi vẫn sống/ vẫn ăn/ vẫn thở/ như mọi người/ Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ/ Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu/ Một vết bùn khô trên mặt đá/ Không có ai chia tay/ Cũng nhớ một tiếng còi tàu”. Cũng vẫn là những hình ảnh, ấn tượng, thanh âm, màu sắc, hươmg vị quen thuộc như máu thịt của chính cuộc đời, hay chính nó đã làm nên tình yêu sâu nặng đối với quê hương đất nước.
“Mẹ tôi thức khuya dậy sớm/ Năm nay ngoài năm mươi tuổi/ Chồng chết đã mười mấy năm/ Thuở tôi mới đọc được i tờ/ Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần/ Nước sông gạo chợ/ Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ/ Sống qua ngày nên phải nghiến răng/ Cũng không vui nên mẹ ít khi cười/ Những buổi trưa buổi tối/ Ngồi một mình hay khóc/ Vẫn thở dài mà không nói ra”. Tác giả trong tư cách là người kể chuyện, kể chuyện quê hương, kể chuyện gia đình mình, kể chuyện người mẹ tảo tần hôm sớm, suốt đời hy sinh, suốt đời lặng lẽ, đó cũng chính là một phần hình tượng thân thuộc mà lớn lao làm nên gương mặt quê hương, làm nên hình hài đất nước.
“Tôi yêu đất nước này xót xa/ Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng/ Thương tôi nên ở góa nuôi tôi/ Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới/ Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,/ như cho một đứa hủi/ Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới/ Thắp ba cây hương/ Với mấy bông hải đường/ Mẹ tôi khóc thút thít/ Cầu cha tôi phù hộ tôi nên”. Những cảnh tượng quá quen thuộc mà hầu như ai trong đời cũng có gặp ít nhất một lần. Người vợ mất chồng, đàn con mất cha, nhất là trong cảnh chiến chinh triền miền, đôi miền chia cắt.
“Tôi yêu đất nước này cay đắng/ Những năm dài thắp đuốc đi đêm/ Quen thân rồi không ai còn nhớ tên/ Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng/ Áo mồ hôi những buổi chợ về/ Đời cúi thấp/ Giành từng lon gạo mốc,/ Từng cọng rau hột muối/ Vui sao khi con bữa đói bữa no/ Mẹ thương con nên cách trở sông đò”. Tác giả yêu mẹ, yêu quê hương đến thắt ruột, quặn lòng. Đó là một tình yêu chân thành từ những điều giản dị, bình thường, nhưng đó là sự giản dị, bình thường làm nên gốc rễ con người, tạo nên những xung lực nhân văn để nhân sinh đúng nghĩa làm người. Bởi phải biết yêu từ những điều nhỏ nhặt, thân quen, từ những người thân thiết rồi mới có thể đến với tình yêu xóm làng, tình yêu quê hương đất nước.
“Tôi yêu đất nước này khôn nguôi/ Tôi yêu mẹ tôi áo rách/ Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu./ Tôi bước đi/ Mưa mỗi lúc mỗi to,/ Sao hôm nay lòng thấy chật/ Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc/ Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua/ Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước/ Chim đậu trên cành chim không hót/ Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may/ Tôi yêu đất nước này những buổi mai/ Không ai cười không tiếng hát trẻ con”. Trong tình yêu có sự sẻ chia, đồng cảm và cả âu lo, suy tư trước thời cuộc của quê hương đất nước, đó là thái độ tích cực, là trách nhiệm của con người trước vận mệnh Tổ quốc, trước vui buồn, sướng khổ của bà con làng xóm, của đồng bào. Người xưa nói “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, nghĩa là quốc gia thịnh hay suy, ngay cả những người đàn ông tầm thường cũng phải có trách nhiệm, huống hồ những người có ăn học, được gọi là trí thức.
“Cùng sống chung trên đất/ Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam/ Cùng có chung tên gọi Việt Nam/ Mang vết thương chảy máu ngoài tim/ Cùng nhức nhối với người chết oan ức/ Đấm ngực giận hờn tức tối/ Cùng anh em cất cao tiếng nói/ Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập, tự do/ Bữa ăn nào cũng phải được no/ Mùa lạnh phải có áo ấm/ Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm/ Được thờ cúng những người mình tôn kính/ Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định”. Đến đây tình yêu đất nước đã chuyển hóa tự nhiên thành lời kêu gọi thống thiết về thống nhất đất nước, về mong muốn hòa bình, độc lập, Nam Bắc một nhà, được sống và hít thở không khí tự do, dân chủ thực sự.
“Tôi yêu đất nước này chân thật/ Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi/ Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi/ Và yêu tôi đã biết làm người/ Cứ trông đất nước mình thống nhất”.
Bài thơ tự nhiên, hình tượng thân quen và ám ảnh, tình cảm chân thật và xúc đông, lại có sức gợi mở và lan tỏa sâu xa!
Phạm Xuân Dũng - Thuận An
Ý kiến bạn đọc