Khúc khải hoàn ca tháng Mười
Cảm xúc tháng Mười
Không thể nói trời không trong hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường
Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thường gọi các con
Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn
Đêm, cái đêm rút quân qua gầm cầu
Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca
Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm
Tháng Mười ấy là khúc ca say
Khúc ca mở những chiến công đầy
Ôi Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này
Tạ Hữu Yên
Nhà thơ Tạ Hữu Yên có nhiều bài thơ về những sự kiện lớn của đất nước, trong đó bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” viết về sự kiện bộ đội tiến về giải phóng thủ đô ngày 10/10/1954 là một trong những tác phẩm đọng lại nhiều cảm xúc nhất.
“Cảm xúc tháng Mười” được viết 20 năm sau sự kiện đó – vào ngày 10/10/1974 (nhân Cuộc thi sáng tác ca khúc kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng Thủ đô) mà giọng thơ vẫn vẹn nguyên cảm xúc của buổi ban đầu, vẫn hừng hực khí thế của đoàn quân chiến thắng, tràn đầy âm hưởng hào hùng của người dân Thủ đô đón đợi quân ta trở về sau bao năm ròng rã kháng chiến, ẩn chứa xiết bao xao động, thổn thức. Đó là nỗi niềm mong nhớ, sự đợi chờ người chiến sĩ giải phóng quân thân thương trở về thủ đô.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ có sự so sánh rất lãng mạn và khác lạ: “Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Bầu trời hôm ấy bỗng dưng trong hơn, cũng giống như đôi mắt người con gái “xanh khác ngày thường”. Sự kiện lớn lao ấy nhà thơ ví với sự bao la của bầu trời, là khoảnh khắc trong xanh. Đi cùng đó là hình ảnh lãng mạn của đôi mắt thiếu nữ.
Bên cạnh đó là người mẹ - hình ảnh luôn chiếm vị trí rất lớn trong hầu khắp trong các tác phẩm thơ ca cách mạng, bởi đó là mạch nguồn, là sức sống vô tận, là niềm tin tất thắng của sự hi sinh vô bờ của bà mẹ Việt Nam. Hình ảnh bà mẹ khóc trong niềm vui chiến thắng, khóc khi thấy đứa con trở về, và cả khóc khi mất mát đau thương bởi nhiều đứa con khác không trở về vô cùng xúc động: “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/ Xốn xang mẹ thường gọi các con/ Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/ Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”.
Nhà thơ cảm thấy các đợt sóng trào dâng làm cho những ngôi nhà, những dãy phố như cũng có tâm hồn nhấp nhô theo nhịp bước, cũng vui sướng như mỗi người Hà Nội hân hoan đón đàn con trở về - quân ta tiến về tiếp quản Thủ đô ngày hôm ấy: “Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/ Những ngôi nhà dường muốn cao thêm”. Lại nữa, không chỉ có những ngôi nhà, dãy phố mà còn cả sông Hồng, cả năm cửa ô và một mùa thu đều cất lên câu hát: “Ôi, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội/ Nghìn năm vẫn một trái tim này”.
Kết thúc bài thơ thực sự là dòng cảm xúc về những ngày tháng Mười lịch sử: Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Bài thơ ra đời vào thời điểm Hiệp định Paris (tháng 1/1973) đã được ký kết và đang khấp khởi niềm hy vọng vào những chiến thắng lớn sắp đến ngày thống nhất: “Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca”.
Vân Lam
Ý kiến bạn đọc