Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng sử dụng thiết bị điện trong thời gian giãn cách xã hội

07:01, 17/08/2021

Sự bất cẩn trong việc sử dụng các thiết bị điện gia đình không chỉ đe dọa tính mạng của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ hỏa hoạn, nhất là hiện nay người dân ở nhà để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhu cầu sử dụng thiết bị điện nhiều hơn. 

7 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy và hơn 70 sự cố cháy đã được dập tắt ngay khi vừa phát sinh sự cố, không để xảy ra cháy thành đám; trong đó hơn 70% số vụ cháy, sự cố cháy có nguyên nhân từ những sự cố về thiết bị và bất cẩn trong sử dụng điện.

Cách đây chưa lâu, chị Trần Thị Quế ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cảnh báo trên trang Zalo: “Mọi người chú ý khi sử dụng điện kẻo như gia đình tôi suýt nữa thì nguy to vì cháy nổ do chập điện. Chuyện là vào giờ cao điểm trưa, tôi cùng lúc cắm nồi cơm điện, vừa sử dụng lò vi sóng và đun ấm nước siêu tốc, còn con gái lại là ủi quần áo thế là xảy ra chập cháy, nổ tung cả ổ cắm điện ở bếp. Thật may sự cố xảy ra vào ban ngày và mọi người đều ở nhà nên đã kịp thời xử lý”.

Tương tự, chị Nguyễn Diệu Hoài ở phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) và nhiều thành viên trong nhóm bạn chia sẻ, hệ thống điện của các gia đình đều quá tải trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Các thành viên trong gia đình ai cũng có nhu cầu sử dụng điện cho công việc của mình. Máy điều hòa và quạt gió ở tất cả phòng bật suốt ngày đêm. Con trẻ học online, chơi game trên máy tính. Người lớn làm việc trên máy tính, xem tivi, lướt điện thoại thông minh, bật máy đi bộ trong nhà, mở máy nghe nhạc, tập dưỡng sinh theo hướng dẫn trên tivi… Đặc biệt, các bà nội trợ có thời gian rảnh nên tranh thủ là ủi quần áo, nấu nướng, chế biến các món ăn, làm bánh. Những chiếc tủ lạnh luôn hoạt động hết công suất vì phải tích trữ đồ ăn cho nhiều ngày liền. Lò vi sóng, bếp điện cũng vận hành liên tục…

Lực lượng chữa cháy dập tắt thành công một vụ cháy do chập điện ở đường Y Wang (TP. Buôn Ma Thuột).

Từ thực tế trên, Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết, qua điều tra nguyên nhân các vụ cháy do sự cố về điện cho thấy đa số đều vì những người trong gia đình bất cẩn hoặc có thói quen không đúng khi sử dụng điện như: đặt các thiết bị sử dụng điện có phát nhiệt cao (bàn ủi, bếp điện, lò nướng...) gần vật liệu dễ cháy (khăn lau, đồ gỗ, quần áo, chăn màn…); sử dụng chung một ổ cắm điện cho quá nhiều thiết bị điện (tivi, quạt điện, tủ lạnh, bàn ủi...); không dùng phích cắm mà cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ điện, quấn băng keo cách điện sơ sài hoặc sử dụng bao ni lông thay cho băng keo cách điện; dùng dây điện sử dụng trong nhà để kéo ra ngoài trời; quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ; sạc các loại máy tính, điện thoại quá lâu…

“Không đồng thời cắm nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm; hạn chế dùng nhiều thiết bị điện công suất lớn vào các giờ cao điểm; tránh dùng dây dẫn có tiết diện không phù hợp với thiết bị điện có công suất lớn; tắt những thiết bị điện, nhất là bếp điện, bàn là, lò nướng… ngay khi sử dụng xong và trước khi đi ngủ. Không nên sạc các thiết bị điện tử có pin qua đêm; thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị điện và đường dây điện"- Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC -CNCH (Công an tỉnh) khuyến cáo.

 

Bên cạnh đó là những nguyên nhân lớn khác gây mất an toàn khi sử dụng điện như: hệ thống dây dẫn điện trong nhà không phù hợp do lắp đặt thêm nhiều thiết bị điện so với thiết kế ban đầu; kéo dây trực tiếp không luồn trong ống bảo vệ, dây dẫn bị cũ, lâu năm bị nứt vỏ, chuột cắn, bị bám lớp bụi dễ bắt lửa...; các thiết bị điện quá cũ, bị rò điện; lắp đặt hệ thống chiếu sáng quá sát vào những bề mặt dễ cháy như trần nhà, tường nhà bằng gỗ, giấy các-tông... Sai lầm phổ biến tiếp theo là sử dụng thiết bị bảo vệ (cầu dao, cầu chì) không phù hợp với phụ tải, thiết bị bảo vệ hư hỏng, đấu tắt không qua thiết bị bảo vệ…

Chắc hẳn đến giờ người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn chưa quên vụ cháy xảy ra lúc 2 giờ 10 ngày 17-2 tại số nhà 53 đường Y Wang làm thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đồng. Nguyên nhân cháy được cơ quan chức năng xác định là do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Đây là ngôi nhà được cho thuê để kinh doanh thiết bị điện tử, do đó thiết kế đường điện ban đầu không tính đến phụ tải khi sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện. Khi dây dẫn bị quá tải đã gây ra chập, cháy… Vụ cháy đã được lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dập tắt kịp thời, không để cháy lan sang các nhà xung quanh, không thiệt hại về người song đã thiêu rụi khoảng hơn 60 m2 nhà cùng toàn bộ thiết bị điện tử trong cửa hàng, gồm điện thoại di động, phụ kiện điện thoại….

Hay như vụ cháy xảy ra lúc 18 giờ ngày 2-3 tại ki ốt số 2 kinh doanh vàng mã thuộc chợ Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) do hệ thống điện bị chập phát ra tia lửa. Toàn bộ ki ốt chứa giấy, nến… nên nhanh chóng bén lửa và cháy rụi hoàn toàn. Ước tính thiệt hại trên 40 triệu đồng. Vụ cháy đã được lực lượng cứu hỏa nhanh chóng dập tắt, ngăn chặn kịp thời nguy cơ cháy chợ.

Để an toàn cho mỗi gia đình, không xảy ra chập cháy do điện, nhất là trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, người dân cần tự nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ, sử dụng các thiết bị điện phù hợp với thiết kế đường điện của gia đình mình.

Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.