Multimedia Đọc Báo in

Những công trình "giải cơn khát" nước sạch nông thôn

07:01, 17/08/2021

Từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh đã được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực.

Năm 2009, công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động với công suất thiết kế 550 m3/ngày đêm. Đến năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, công trình được mở rộng nâng cấp với tổng mức đầu tư 6,3 tỷ đồng, có thể cung cấp nước sạch cho 1.398 hộ.

Anh Y Vôn Niê, Trạm trưởng quản lý công trình chia sẻ, xã Ea Tul có đến 97% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, người dân thường đào, khoan giếng, đồng thời đi gùi nước ở các mạch suối đầu nguồn về để nấu ăn uống, nhưng có những thời điểm mùa khô nguồn nước khan hiếm, chất lượng nước không bảo đảm. Chính vì thế, khi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được nâng cấp và đi vào hoạt động đã góp phần giải tỏa "cơn khát" nước sạch, mang lại niềm vui  cho người dân. 

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) được đấu nối đến từng hộ gia đình.

Tương tự, Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Bông (huyện Krông Ana) được đầu tư trên 13 tỷ đồng xây dựng và đưa vào sử dụng đầu năm 2020 đã cấp nước sạch cho gần 1.000 hộ dân ở 6 thôn, buôn. Ông Phùng Tấn Tiền (buôn Ea Kruế, xã Ea Bông) cho hay, trước đây gia đình ông cũng như hầu hết các hộ dân ở đây chỉ sử dụng nước giếng đào để tắm giặt, còn phải mua nước lọc về để uống và nấu ăn. Vào mùa khô, ông và một số hộ khác phải góp tiền để khoan giếng sâu hơn mới có đủ nước sử dụng, mà cũng chỉ dùng tắm giặt chứ không dám dùng nấu ăn uống bởi sợ nước không bảo đảm.

Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đã đầu tư xây dựng mới 4 công trình, nâng cấp và mở rộng 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần tăng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 95%.

 

Xã Ea Bông 3.000 hộ dân, trong đó có 47% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây vào mùa khô có đến 90% hộ dân thiếu nước sử dụng. Vì thế, khi được đầu tư xây dựng công trình đã giải quyết được vấn đề nước sạch cho người dân địa phương, góp phần giúp xã Ea Bông sớm hoàn thành chỉ tiêu về số hộ dân được sử dụng nước sạch trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và môi trường nông thôn tỉnh, để bảo đảm các công trình vận hành liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, Trung tâm đã thành lập Ban Quản lý trạm cấp nước để quản lý, vận hành ở mỗi công trình; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ công trình và sử dụng nước tiết kiệm.

Cán bộ quản lý Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Bông (huyện Krông Ana) kiểm tra hệ thống vận hành.

Được biết, Đắk Lắk là một trong 21 tỉnh được hưởng lợi từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn của WB giai đoạn 2016 – 2020. Tổng kế hoạch vốn thực hiện chương trình trong giai đoạn này là trên 249 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay cấp phát hỗ trợ là 209,64 tỷ đồng, UBND tỉnh vay lại 17,71 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh 22,02 tỷ đồng. Chương trình gồm ba hợp phần: cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ cấp nước cho 14.000 hộ; đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được trên 11.300 hộ (đạt 81% chỉ tiêu)…

Có thể nói, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân nông thôn, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hơn thế nữa, có nước sạch sử dụng đã giúp các hộ dân tiết kiệm chi phí mua nước, giảm bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.