Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68

09:31, 29/10/2021

Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ thì có 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Riêng nhóm đối tượng số 12 (lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác) do ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Quyết định số 2063/QĐ-UBND, ngày 31-7-2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Huyện Cư M’gar đã khẩn trương triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ đến tay người dân gặp khó khăn do dịch bệnh theo nghị quyết này.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Cư M’gar cho hay, ngay sau khi chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch được triển khai, Phòng đã phối hợp với các địa phương trong huyện rà soát, lập danh sách, đẩy mạnh tiến độ xác minh, thẩm định hồ sơ và chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Từ tháng 7-2021 đến nay, số tiền hỗ trợ theo chính sách này đang đến đúng đối tượng, tận tay người được thụ hưởng tại các xã, thị trấn trong huyện.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thành lập các ban, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết 68 bảo đảm chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch đúng đối tượng, đủ số tiền, không bỏ sót đối tượng được hỗ trợ.

Người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar) được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.

Thống kê trong đợt 1, huyện đã hỗ trợ 710 người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, với số tiền hơn 720 triệu đồng. Trong đó có 335 trường hợp là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, được hỗ trợ với số tiền 328,3 triệu đồng. Hiện nay, huyện đã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ 263 hộ kinh doanh với số tiền 789 triệu đồng, tập trung chủ yếu ở thị trấn Quảng Phú và xã Quảng Tiến.

 

Đến nay, toàn huyện Cư M’gar có hơn 10.000 công dân trở về từ vùng dịch. Trong đó, có 9.793 lao động đã giải quyết việc làm (tự tạo việc, tự tìm việc làm) từ khi trở về địa phương; 113 lao động chưa có việc làm, có nhu cầu giải quyết việc làm; 7 người có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất.

Việc hỗ trợ các đối tượng được giao về UBND các xã, thị trấn và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, dưới sự giám sát của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện.

Bà Trần Thị Viễn (thị trấn Ea Pốk) năm nay đã ngoài 60 tuổi, bị bệnh thần kinh phân liệt. Bà nuôi sống bản thân và một người con khuyết tật bằng nghề bán rau ở chợ. Thời gian qua, bà phải nghỉ bán để góp phần phòng, chống dịch. Khó khăn vơi đi phần nào khi bà nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ. Bà phấn khởi cho hay, số tiền 900.000 đồng được nhận có ý nghĩa lớn lúc này, giúp bà giải quyết cái ăn trước mắt, dần ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách này, một số xã còn lúng túng. Cụ thể, trên thực tế, đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực nên việc xác định đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn.

Việc tính thu nhập của người lao động cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, vì vậy các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng chỉ mới chỉ xem xét lập hồ sơ hỗ trợ cho những người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, còn những hộ thuộc diện có mức sống trung bình và những hộ khác thì chưa được đề cập đến.

Thêm vào đó, từ khi Nghị quyết 68 có hiệu lực thi hành thì tình hình dịch bệnh ở địa phương diễn biến phức tạp, các xã, thị trấn ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch nên việc triển khai thực hiện còn hạn chế.

Để kịp thời bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, huyện Cư M’gar đã có đề nghị được hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số nội dung tại Quyết định số 2063/QĐ-UBND của UBND tỉnh, như điều kiện được hưởng hỗ trợ của nhóm hộ thuộc lĩnh vực ăn uống, vì trên thực tế, có rất nhiều hộ mở quán ăn, quán ăn tự phục vụ, quán ăn nhanh, cắt tóc, gội đầu… sống chủ yếu bằng nghề này nhưng không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, dẫn đến khó xác định đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Đồng thời ngành chức năng cũng nên hướng dẫn cách thức tính thu nhập đối với đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động, để việc thực hiện được rõ ràng, minh bạch hơn…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.