Trao sinh kế cho hộ nghèo
Mong muốn hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững, thời gian qua Quỹ thiện nguyện TNN (TP. Buôn Ma Thuột) đã thực hiện Dự án “Khát vọng vươn lên” giúp người dân tại xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả.
Nhận thấy trao quà, nhu yếu phẩm chỉ giúp vơi bớt khó khăn trong vài ngày, nhưng trao sinh kế cho hộ nghèo sản xuất có thể giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, vì vậy Quỹ lên ý tưởng trao con giống để hộ nghèo phát triển chăn nuôi.
Anh Trương Ngọc Nguyên, đại diện Quỹ thiện nguyện TNN cho hay, để thực hiện ý tưởng này, anh đã đến xã Dray Sáp khảo sát tình hình, tìm hiểu hoàn cảnh từng hộ. Các hộ mà Quỹ chọn để giúp đỡ hầu hết là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng có khả năng phát triển chăn nuôi. Con giống mà Quỹ hỗ trợ thường không đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi cao, không tốn nhiều công chăm sóc, nhanh đem lại hiệu quả kinh tế.
Trao dê giống cho gia đình chị H’Hoa Adrơng (buôn Ka La, huyện Krông Ana). |
Đầu năm 2019, anh Nguyên quyết định trích 33 triệu đồng mua các loại con giống như gà, dê, heo rừng lai, bò… để tặng 11 hộ nghèo tại xã Dray Sáp. Mỗi hộ dân được tặng một loại con giống phù hợp với hoàn cảnh của từng nhà. Sau gần hai năm, 11 gia đình nhận nguồn hỗ trợ này đều đang chăn nuôi có hiệu quả.
Gia đình anh Đinh Văn Tuấn (thôn Đoàn Kết) là hộ nghèo nhiều năm liền tại địa phương. Ít đất sản xuất, vợ chồng anh phải đi làm thuê để lo sinh hoạt phí hằng ngày và cho ba con nhỏ đến trường. May mắn, hai năm trước gia đình anh được Quỹ thiện nguyện TNN hỗ trợ 3 con heo rừng lai để phát triển chăn nuôi. Sau 7 – 8 tháng heo sinh sản, trung bình mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa heo đẻ được 5 – 7 heo con.
Anh Tuấn chia sẻ: “Heo rừng lai dễ nuôi, chủ yếu ăn cám gạo, bắp và rau, cỏ nên không tốn nhiều chi phí. Đặc biệt, số heo của gia đình đều được thương lái tự tìm đến mua cả heo thịt và heo giống mà không cần tìm đầu ra, giúp tôi có thêm một khoản thu nhập khá ổn định 30 triệu đồng/năm. Nhờ 3 con heo giống mà Quỹ hỗ trợ, từ hộ nghèo, gia đình tôi đã xuống hộ cận nghèo khiến tôi rất phấn khởi”.
Hay như trường hợp của chị H’Chiu Ayun (buôn Tuôr B) từ 3 con dê giống được hỗ trợ, sau hai năm chăn nuôi, gia đình chị đã phát triển lên 12 con.
Đại diện Quỹ thiện nguyện TNN, anh Trương Ngọc Nguyên (bên trái) vui mừng khi mô hình chăn nuôi heo rừng lai do Quỹ hỗ trợ mang lại hiệu quả cao. |
Thấy người dân chăn nuôi bước đầu có hiệu quả, Quỹ tiếp tục hỗ trợ cho những hộ khó khăn khác. Trong tháng 10-2021, Quỹ đã trao cho 10 hộ đặc biệt khó khăn tại xã Dray Sáp 30 con dê giống (mỗi hộ 2 con cái, 1 con đực) với tổng trị giá 60 triệu đồng.
Bên cạnh tặng con giống, Quỹ phối hợp với Đoàn xã Dray Sáp tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi dê tại một trang trại chăn nuôi dê lớn trên địa bàn huyện, chủ trang trại sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật khi đàn dê gặp sự cố… để người dân quyết tâm xây dựng mô hình.
Đồng thời người dân phải ký cam kết không được bán mà chăn nuôi để phát triển kinh tế. Sau một năm, Quỹ sẽ thu lại 1 con giống/hộ để tặng những người khó khăn hơn nhằm nhân rộng mô hình.
Hiện nay, Quỹ đã hỗ trợ được 21 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng mô hình chăn nuôi bò, dê, heo rừng lai, gà… Các mô hình đang mang lại hiệu quả khả quan, giúp người dân cải thiện cuộc sống. Từ kết quả đó, trong thời gian tới Quỹ sẽ đẩy mạnh thực hiện Dự án “Khát vọng vươn lên” đến nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Kinh phí hoạt động của Quỹ thiện nguyện TNN được trích từ 10% lợi nhuận/năm của một công ty trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột do anh Trương Ngọc Nguyên điều hành để thực hiện những hoạt động thiện nguyện. Trong đó, Dự án “Khát vọng vươn lên” là chương trình dài hơi với mục đích trao sinh kế hỗ trợ người nghèo vươn lên. |
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc