Multimedia Đọc Báo in

Già làng gương mẫu ở buôn Kdru’h A

08:34, 30/12/2021

Hơn 10 năm giữ vai trò là già làng của buôn Kdru’h A, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo), ông Y Dinh Niê đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Buôn Kdru’h A có 123 hộ, với trên 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê. Trước đây, Kdru’h A là buôn đặc biệt khó khăn của xã Ea Nam với tỷ lệ hộ nghèo cao; đường sá trong buôn chủ yếu là đường đất khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.

Trước tình hình đó, ông Y Dinh đã tích cực tuyên truyền bà con hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp kinh phí, ngày công lao động chung tay cùng Nhà nước làm đường. Đồng thời, ông phân tích để bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông cũng vận động các gia đình trong buôn đưa con em đến trường, không được bỏ học giữa chừng; động viên thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự. Mỗi khi trong buôn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, ông Y Dinh đều có mặt kịp thời để hòa giải, góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.

Tuổi cao nhưng già làng Y Dinh Niê vẫn hăng say lao động sản xuất.

Để làm gương cho bà con trong buôn mạnh dạn phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tuy tuổi đã cao nhưng già làng Y Dinh Niê vẫn hăng say lao động sản xuất. Với 2 ha cà phê, 5 sào lúa nước, 200 trụ tiêu, 500 cây bơ xen sầu riêng và nuôi heo, mỗi năm gia đình ông Y Dinh có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Sự đổi thay, phát triển của buôn Kdru’h A có đóng góp rất lớn của già Y Dinh. Cả buôn chỉ còn 12 hộ nghèo; tỷ lệ các hộ khá, giàu chiếm 30%. Buôn vẫn duy trì lễ cúng bến nước, cúng lúa mới truyền thống; con em các gia đình trong buôn đều được đến trường. Bà con trong buôn không còn gọi thầy cúng mỗi khi ốm đau mà đã tìm đến các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh.

Nguyễn Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.