Multimedia Đọc Báo in

Thông điệp từ Hội An

06:06, 29/12/2021

Hội An (tỉnh Quảng Nam) là thành phố đầu tiên trong cả nước vừa ký cam kết với Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) loại bỏ việc giết, sử dụng thịt chó và mèo. Dư luận đa số hưởng ứng sự kiện, và hy vọng “bản mẫu” phố cổ sẽ nhân rộng ra khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Có lẽ, chẳng ai tự hào khi chúng ta hiện nằm trong top 3 quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Trên toàn châu Á, theo ước tính từ các tổ chức bảo vệ động vật, có khoảng 30 triệu con chó bị giết lấy thịt mỗi năm. Trong đó, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10 triệu con, Việt Nam 5 triệu con (riêng mèo thì 2 triệu con), Hàn Quốc 2 triệu con.

Nhiều nơi trên thế giới, kể cả không ít quốc gia được coi văn minh, kinh tế mạnh, việc duy trì ăn thịt chó vẫn diễn ra dù mức độ khác nhau. Vì vậy, khái niệm văn hóa, văn minh cao thấp đánh giá từ giác độ “ăn thịt chó”, luôn gây tranh cãi.

Phố cổ Hội An.(Ảnh: Internet)
Phố cổ Hội An. Ảnh: Internet

Nhưng không thể phủ nhận xu hướng chung toàn cầu là con người ngày càng giảm ăn thịt chó bởi họ coi con chó là vật nuôi trung thành, được thuần chủng từ hơn mười nghìn năm trước. Bất cứ trong mỗi chúng ta đều đã có những kỷ niệm khó phai trong đời, liên quan một chú “cún”. Những ai từng phải chia tay chó cưng, đặc biệt bị kẻ trộm chó bắt mất, thì mới cảm nhận được nỗi đau bị tước đoạt người bạn trung thành. Buồn thay, nguồn thịt chó ở ta hiện nay chủ yếu từ những kẻ trộm chó trong cộng đồng. Bất chấp nguy hiểm, những kẻ trộm chó liên tục hành động vì lợi nhuận cao. Đã xảy ra nhiều chuyện đau lòng, nhiều khi con chó đổi mạng người, do người dân bức xúc đã tự xử.

Tôi lại nhớ đến nhà thơ Bảo Sinh. Ông được biết đến không chỉ vì tài năng thơ phú, mà là người lập nên một ngôi chùa để phục vụ việc mai táng, thờ tự, cầu siêu cho chó. Ngôi chùa “Tề Đồng Vật ngã” ở Hà Nội luôn tấp nập khách. Ông cũng rất hạnh phúc vì là người trực tiếp chăm sóc “phần hồn” cho hàng nghìn chú chó ở chùa. Những ai từng chứng kiến nhiều gia đình (thậm chí khách Tây làm việc ở Hà Nội) đến chùa để thắp hương cho chú chó quá cố của họ, lặng đi trước di ảnh, hẳn sẽ suy nghĩ lại về cách ứng xử với loại động vật thân thiết này.

Điều đáng quan tâm hơn cả là có rất nhiều hệ lụy, nguy cơ tiềm ẩn cho cộng đồng nếu sử dụng thịt chó mà nguồn không đảm bảo an toàn. Chó bị đánh bả, bị bệnh dịch, ăn vào chắc chắn rất có hại cho sức khỏe.

Để từ bỏ một thói quen rất khó, cần có lộ trình về mặt quản lý. Quan trọng là phải có thêm nhiều trải nghiệm nhân văn cho nhiều người dân. Tôi có rất nhiều người bạn vốn là tín đồ thịt chó, nhưng rồi đột nhiên họ bỏ hẳn. Có anh chứng kiến cô con gái của mình sinh ốm, sầu muộn khi chú chó cưng bị trộm chó bắt mất, nên đoạn tuyệt với món “gâu gâu”.

Còn nhớ năm 2018, UBND TP. Hà Nội từng đã ban bố cam kết chấm dứt buôn bán thịt chó, trong đó nêu rõ việc buôn bán tàn ác và mất vệ sinh này có thể làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thành phố là một “thủ đô văn minh, hiện đại”.  Nhưng sau đó chuyện đâu lại vào đấy. Hy vọng lần này, Hội An sẽ thực hiện được, và lan tỏa đến nhiều địa phương khác.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.