Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay Cư Dhắt

08:33, 14/02/2022

Cư Dhắt là thôn đồng bào Mông, cách trung tâm xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) gần 30 km về phía đông.

Khi mới thành lập, thôn Cư Dhắt được gọi là thôn “nhiều không”: không đường, không trường học, không điện, không nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 100%. Tuy nhiên, đến nay đã có rất nhiều đổi thay ở Cư Dhắt...

Thôn Cư Dhắt hiện có 198 hộ với 1.238 khẩu. Những năm qua, nhờ tập trung chăm lo trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, đời sống người dân trong thôn đã có nhiều khởi sắc. Bà con ở đây đã tận dụng tối đa diện tích đất hiện có để trồng trọt. Diện tích đất thấp thì cải tạo làm lúa nước; đất cao trồng ngô lai, sắn. Thời gian gần đây, nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái... Cả thôn hiện có gần 40 ha lúa nước, 20 ha ngô lai, 60 ha sắn, 10 ha cà phê, hơn 2 ha hồ tiêu. Như gia đình chị Có Thị Dính đã có thu hoạch từ hơn 400 trụ hồ tiêu và 500 cây cà phê, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã có gần 300 ha đất là khu vực đất dốc cao, đất bỏ hoang và diện tích đất trồng sắn, ngô lai kém hiệu quả được bà con tận dụng, chuyển đổi sang trồng cây keo lai, mang lại thu nhập khá cao. Gia đình anh Ma Văn Hà đã tích lũy trồng được hơn 10 ha cây keo lai, trong đó một số diện tích đã cho khai thác. Mới đây gia đình anh thuê nhân công khai thác 1,4 ha bán cho tư thương, thu về 140 triệu đồng; sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Nông dân thôn Cư Dhắt ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Việc sản xuất của nông dân thôn Cư Dhắt giờ đây thuận lợi và nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều bởi đa số gia đình trong thôn đều biết sử dụng máy móc trong việc tưới nước, làm đất, vận chuyển nông sản. Cả thôn đã có 2 xe ô tô, 3 xe múc, gần 100 máy cày, xe công nông, máy tuốt lúa, máy xạc bắp.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, dù nằm cách xa trung tâm xã nhưng hiện nay tất cả các hộ ở thôn Cư Dhắt đã được dùng điện lưới quốc gia. Nhiều gia đình đã mua được ti vi, lắp đặt mạng Internet để xem tin tức và cho con em học online; các tuyến đường nội vùng trong thôn đã được trải nhựa và bê tông hóa. Người dân trong thôn cũng không còn phải đi xa hàng chục cây số ra chợ mua đồ dùng, nhu yếu phẩm vì đã có nhiều quán hàng tạp hóa được mở bán ngay trong thôn. Hầu hết các gia đình đã mua được xe máy; trong thôn không còn nhà ở tạm bợ. Bà con còn tận dụng được nguồn nước sạch tự chảy làm nước sinh hoạt; đóng góp hàng trăm triệu xây dựng đường ống dẫn nước đến tất cả các hộ. Anh Vàng A Siền, Trưởng thôn Cư Dhắt cho biết: “Trước đây người dân trong thôn phải dùng nước suối để sinh hoạt. Một số hộ có điều kiện đào giếng nhưng vào mùa khô thì tất cả giếng đào đều cạn hết. Từ khi dẫn nước ở đầu nguồn về, vào mùa khô bà con vẫn đủ nước ăn uống, tắm giặt, rửa xe máy, cho trâu bò uống...”.

Điểm trường thôn Cư Dhắt với gần 300 học sinh đã được đầu tư hơn 5 tỉ đồng xây dựng kiên cố.

Những phòng học tạm bợ bằng tranh tre ở điểm trường thôn Cư Dhắt do người dân tự làm trước đây cũng đã được thay thế bằng 9 phòng học xây kiên cố. Ngoài ra còn có nhà ở cho giáo viên, sân bê tông, cổng tường rào, giếng nước, điện lưới… đáp ứng điều kiện học tập cho 294 học sinh tiểu học và mẫu giáo trong thôn.

Dù cuộc sống hiện nay đã khởi sắc hơn rất nhiều song người dân thôn Cư Dhắt vẫn còn lo lắng, chưa yên tâm an cư vì chưa có hộ dân nào ở đây được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ông Trần Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Drăm kiêm Bí thư Chi bộ thôn Cư Dhắt, xảy ra tình trạng này là do bất cập trong công tác quản lý. Hiện thôn Cư Dhắt do xã Cư Drăm quản lý về mặt hành chính nhưng đất đai mà bà con trong thôn đang ở và canh tác lại thuộc địa giới quản lý của xã Cư Pui. Chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục kiến nghị với cấp trên có giải pháp tháo gỡ khó khăn để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, giúp cho bà con yên tâm định cư, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương mới.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.