Multimedia Đọc Báo in

Mệnh lệnh từ trái tim

07:57, 16/03/2022

Nhiều năm qua, không quản ngại ngày đêm, mưa nắng, cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) luôn sẵn sàng hiến máu bất kể lúc nào. Nhờ vậy nhiều bệnh nhân đã được cứu sống trong cơn nguy cấp.

Những cuộc điện thoại khẩn cấp cần máu trong đêm có lẽ đã không còn xa lạ đối với Trung tá Nguyễn Công An, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) - Phòng CSCĐ Công an tỉnh. Giây phút trao đổi ngắn ngủi, vội vàng qua điện thoại nhưng ẩn chứa biết bao niềm hy vọng, mong mỏi của người nhà bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch cần máu gấp. Trung tá An chia sẻ: "Những lúc nhận được cuộc gọi khẩn cần máu, chúng tôi chỉ kịp hỏi qua tình trạng, địa chỉ và lập tức rà soát để huy động cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đến hiến máu kịp thời". Nhiều năm nay, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn coi việc hiến máu cứu người là niềm hạnh phúc, mang ý nghĩa nhân văn, bởi thế khi bệnh viện cần máu gấp, ai cũng sẵn sàng hiến máu bất kể ngày hay đêm. Bản thân Trung tá An cũng đã có trên 10 lần hiến máu.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện.

Mang trong mình nhóm máu hiếm, Đại úy Từ Ngọc Quý luôn ý thức được sứ mệnh của mình, anh coi việc hiến máu là "mệnh lệnh từ trái tim". Đến nay, Đại úy Quý đã có trên 10 lần hiến máu. Đặc biệt, trong năm 2021, anh đã 3 lần hiến tiểu cầu trực tiếp cho bệnh nhân nguy cấp. Anh nhớ nhất lần hiến tiểu cầu cứu bệnh nhân mắc COVID-19, giảm tiểu cầu nặng vào tháng 12/2021. Hôm đó, trong quá trình lấy tiểu cầu gặp một chút sự cố về máy lọc khiến anh khá lo lắng. Tuy vậy cuối cùng anh cũng hiến được tiểu cầu để cứu bệnh nhân khiến bản thân cảm thấy vô cùng hạnh phúc, nhẹ nhõm. “Bác sĩ dặn tôi để dành máu cho những trường hợp bệnh nhân nhóm máu hiếm nguy kịch. Biết bản thân mang nhóm máu hiếm có khả năng tiếp máu cứu người nên tôi coi việc hiến máu như thiên chức mà cuộc sống trao cho”, anh Quý trải lòng. Trước đó, anh đã từng hiến tiểu cầu cho một bệnh nhân ung thư và một bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Các trường hợp như vậy đều trong tình trạng cấp bách, bởi thế, lãnh đạo đơn vị luôn tạo điều kiện để anh đi hiến máu ngay.

Đại úy Từ Ngọc Quý tham gia hiến tiểu cầu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đại úy Trần Văn Ngọc, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Phòng CSCĐ cho biết, đơn vị đã lập danh sách chi tiết về nhóm máu của từng cán bộ, đoàn viên. Bởi thế, khi nhận được thông tin cần nhóm máu nào sẽ nhanh chóng điều tiết, điều động lực lượng tham gia. Đơn cử như vào tháng 7/2020, khi nhận được thông tin cần cứu trợ nguồn máu từ bệnh nhân Tống Thị Mến (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông, trong khi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang thiếu máu nhóm A nên không thể thực hiện phẫu thuật ngay, lãnh đạo Phòng CSCĐ đã nhanh chóng cử cán bộ, chiến sĩ có nhóm máu A đến bệnh viện hiến máu giúp bệnh nhân có đủ lượng máu để phẫu thuật thành công.

Bên cạnh những trường hợp hiến máu đột xuất, trực tiếp tại các bệnh viện, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSCĐ cũng thường xuyên tham gia những đợt hiến máu định kỳ do Công an tỉnh phát động. Đến nay, hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ai cũng đã từng hiến máu, có người có hơn 30 lần hiến máu. Thượng sĩ Lương Văn Phương, người có trên 15 lần tham gia hiến máu tình nguyện tâm sự: “Dù đã hiến máu từ thời còn là sinh viên, nhưng lần hiến máu để lại trong tôi cảm xúc nhiều nhất là vào năm 2016. Năm đó tôi là tân binh mới huấn luyện xong, đơn vị phát động hiến máu nên đã đăng ký tham gia. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang tham gia hiến máu, bản thân cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào”.

Cứ thế, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, cơ động, các cán bộ, chiến sĩ của Phòng CSCĐ vẫn miệt mài sẻ chia giọt máu của mình cho những bệnh nhân đang ở "ngưỡng cửa sinh tử". Họ coi đó là mệnh lệnh từ trái tim, âm thầm cống hiến. Nghĩa cử ấy càng tô thắm nên hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.