Multimedia Đọc Báo in

Nhớ nắng gió Tây Nguyên...

16:15, 23/03/2022

Bây giờ là tháng 3, Tây Nguyên cũng đã vào kỳ cao điểm mùa khô. Mấy mươi năm đã rời xa miền đất ấy mà vẫn thấy trước mắt mình bầu trời xanh ngắt, nắng vàng rượi, và gió bạt ngàn. 

Không như ở miền Trung, cứ hễ nắng là chói chang, thiêu đốt. Cái nắng ở Tây Nguyên thật hiền lành, dễ chịu. Nếu ở nơi cao nhất Tây Nguyên là cao nguyên Lâm Viên với thành phố mộng mơ Đà Lạt có cái “nắng lạnh” thì vùng bình nguyên Đắk Lắk, Gia Lai nắng mà lại mát. Và gió, những cơn gió hoang dại và phóng khoáng từ bốn phía của bình nguyên cứ thổi về ào ạt suốt ngày đêm không dứt. Nắng và gió Tây Nguyên là thứ gây ấn tượng mãnh liệt với tôi ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên xuống miền đất ấy hơn ba mươi năm trước.

Đó là một ngày cuối tháng 4/1989. Chiếc xe khách thả xuống thị trấn Buôn Hồ một nhóm sinh viên thực tập của khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế. Trời đã chập choạng tối, chỉ kịp nhìn Buôn Hồ qua một vài bóng đèn le lói nhưng lòng đã thấy háo hức với vùng đất mới lạ Tây Nguyên. Đêm đó, chúng tôi ngủ lại trong phòng học của Trường cấp ba Buôn Hồ, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo người Huế đang dạy ở đây. Sau hai ngày một đêm ngồi trên xe đò chật cứng, đứa nào cũng mệt lả và ngủ say. Nửa đêm, tôi giật mình khi nghe tiếng gì như tiếng hú ở bên ngoài trời, tiếp đó là tiếng rít qua những khe cửa. Một lát sau thì nghe như ai đập vào cửa và giật mạnh liên hồi. Thế rồi những cánh cửa gỗ long chốt, có lẽ do đã bị lay giựt nhiều ngày đêm, bật tung và cơn gió ùa vào căn phòng.

Hóa ra là gió, vậy mà tôi cứ tưởng là ai đó đang đến trong đêm. Khi biết đó là gió thì tôi hoàn toàn yên tâm, như thể tin vào một người lương thiện đang đối diện mình. Tôi cứ để yên cửa như vậy và nằm im đón nhận sự ào ạt vô tư phóng khoáng của những ngọn gió cứ thổi miên man suốt đêm. Vâng, người chủ đầu tiên của vùng đất đại ngàn này đã đón tiếp chúng tôi một cách dữ dội và hào sảng như thế, chính là gió.

Ảnh minh họa
Bên dòng thác mát lành. Ảnh: Ama Phong

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để cuốc bộ vào tận xã Phú Xuân, vùng kinh tế mới của Huế ở huyện Krông Năng. Con đường đất đỏ chạy giữa bình nguyên mênh mông với những rẫy cà phê mới mọc lên trên vùng rừng nguyên sinh mà dấu vết rừng vẫn còn với những cây cổ thụ to cao vẫn chưa bị đốn. Lúc đó là cuối mùa khô nên đất bazan đã trở nên khô khốc. Trong khi đó, những cơn gió vẫn cứ vô tư thổi ào ạt từ bốn phía khiến cho bụi mù mịt phủ kín người chúng tôi. Một người dân từ Phú Xuân đi chợ Buôn Hồ khi trở lại thì thành người dẫn đường cho chúng tôi. Anh ta nói chuyện rôm rả: “Xứ ni gọi là bụi mù trời, buồn muôn thuở là rứa đó!”. Thật lạ là chẳng một ai trong đám sinh viên chúng tôi than thở gì với cái bụi đỏ mù mịt đó. Tôi phóng mắt nhìn ra bốn phía, những ngọn đồi đất đỏ bazan nối tiếp nhau đến tận chân trời, và nhận ra một nguồn sinh lực dồi dào đang tiềm ẩn dưới lớp bụi đỏ kia.

Hơn một tháng “nhập môn Tây Nguyên” bằng những ngày lăn lộn với đất đỏ Krông Năng, tôi cố gắng thu thập thật nhiều tư liệu để thỏa mãn sự háo hức của một người trẻ với vùng đất mới. Ngày nào chúng tôi cũng đi. Ngày nào cũng gặp gỡ, chuyện trò, ghi chép, uống rượu, đọc thơ, ca hát thâu đêm. Đi bộ, với cái đầu trần không mũ nón, dưới cái nắng chói chang của mùa khô, mà không cảm thấy nóng bức, mệt mỏi gì cả. Với cái đầu trần ấy mà đi dưới cái nắng xứ Huế hay miền Trung lúc này thì không thể nào chịu nổi. Tôi đã nhận ra cái nắng Tây Nguyên hiền lành, dễ chịu, ngay những ngày đầu tiên đặt chân lên miền đất hoang dã này.

Ôi cái nắng, cái gió Tây Nguyên đã hào phóng đón tôi từ buổi đầu, và cũng vì ấn tượng mãnh liệt đó mà tôi đã trở lại sinh sống ở nơi này suốt những năm trai trẻ. Tôi đã đi qua, đã ở lại, đã dọc ngang Tây Nguyên và cảm nhận cái nắng của Kon Tum khác với Đắk Nông thế nào, cái gió của Buôn Mê, Buôn Hồ khác với gió Di Linh, Bảo Lộc ra sao...

Nếu bây giờ mà cái nắng Tây Nguyên không còn hiền lành, cái gió Tây Nguyên không còn thân thiện nữa, thì bạn đừng nghĩ là tôi nói quá lời, mà hãy xem lại ta đã làm gì với thiên nhiên của vùng đất đại ngàn xanh tốt ấy! 

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.