Khởi sắc thị trường lao động
Sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, thị trường lao động, việc làm đã có nhiều khởi sắc. Các đơn vị, doanh nghiệp tích cực hoạt động trở lại với nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh.
Nhiều cơ hội việc làm
Từ đầu năm 2022 đến nay, có 380 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động ngoài tỉnh khá cao, tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, với tổng nhu cầu tuyển dụng hơn 22.000 lao động; nhu cầu tuyển dụng trong tỉnh trên 2.000 lao động. Doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động phổ thông cho các ngành nghề về sản xuất gỗ, nội thất, giày da, may mặc, điện tử…
Công ty TNHH Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, tỉnh Đồng Nai) là đơn vị chuyên sản xuất giày thể thao cho các tập đoàn lớn của quốc tế đang có nhu cầu tuyển dụng từ 1.000 – 2.000 lao động phổ thông với mức lương dao động từ 6,7 - 14 triệu đồng/tháng, gồm: lương căn bản, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác. Bên cạnh đó, để thu hút nguồn nhân lực, công ty còn thưởng 3 triệu đồng, hỗ trợ nhà trọ trong vòng 2 tháng cho người lao động mới lần đầu đến làm việc; có xe đưa đón; ngoài ra còn có các chế độ khuyến khích người lao động giới thiệu người thân tới làm việc tại công ty…
Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động tại Phiên giao dịch việc làm lần 1 năm 2022. |
“Công ty TNHH Hwaseung Vina đã gắn bó với tỉnh Đắk Lắk hơn 7 năm nay và đã tuyển dụng hơn 5.000 lao động tại tỉnh. Hiện tại có hơn 500 lao động của Đắk Lắk đang làm việc tại công ty. Với nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất, công ty tiếp tục lựa chọn thị trường lao động tại Đắk Lắk để tham gia các phiên giao dịch việc làm, thu hút người lao động…”, anh Lê Nguyên Phúc, Trưởng Phòng nhân sự của công ty thông tin thêm.
Tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, nhiều lao động đã đến tham gia và tìm được công việc phù hợp với bản thân.
Mới tốt nghiệp cao đẳng ngành Kế toán doanh nghiệp, chị La Thị Thanh Lan (thôn 2, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm kiếm việc làm. Chị Lan chia sẻ: “Tôi đến phiên giao dịch việc làm với mong muốn tìm kiếm công việc kế toán hoặc thu ngân, trong đó lưu tâm đến những công ty, đơn vị trong tỉnh để được làm việc gần nhà. Sau khi tham khảo, nghiên cứu nhu cầu tuyển dụng và được tư vấn, tôi muốn phỏng vấn làm việc tại Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk với vị trí thu ngân”.
“Với thị trường tuyển dụng lao động như hiện nay, việc đảm bảo kế hoạch giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 người; trong đó xuất khẩu lao động 1.000 người trong năm 2022 của tỉnh là hoàn toàn khả thi…”. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Quang Thuân |
“Khơi thông” thị trường xuất khẩu
Sau 2 năm chững lại vì dịch COVID-19, bước sang năm 2022, khi các thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) mở cửa trở lại, tình hình xuất khẩu lao động bắt đầu có sự sôi động. Bên cạnh việc cố gắng đưa lao động đã bị “kẹt” suốt thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng, đào tạo.
Anh Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, Trưởng Phòng thị trường Công ty Xuất khẩu lao động Texgamex, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) cho hay, những năm qua, công ty phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk đưa hàng trăm lao động trên địa bàn tỉnh sang Nhật Bản làm việc. Dự kiến trong năm 2022, khi thị trường Nhật Bản mở cửa trở lại, công ty sẽ tuyển tiếp 600 lao động sang Nhật làm việc.
"Sau khi có thông tin Nhật Bản cho nhập cảnh vào tháng 3 thì tình hình xuất khẩu lao động đến đây bắt đầu sôi động. Người lao động trước đây có nhu cầu mà chưa tham gia được thì bắt đầu đăng ký với số lượng tăng dần. 10 năm qua, Đắk Lắk vẫn luôn là thị trường tiềm năng về xuất khẩu lao động, thậm chí trong 2 năm đại dịch người lao động Đắk Lắk vẫn đăng ký tham gia đều, dự kiến trong năm 2022 sẽ tăng cao", anh Nghĩa nhận định.
Tư vấn cho người lao động các thông tin về doanh nghiệp, việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lần 1 năm 2022. |
Là một trong những người vừa trúng tuyển xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, tháng 3 vừa qua anh Nguyễn Anh Tú (thôn Hiệp Thắng, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) đã vào TP. Hồ Chí Minh học tiếng Nhật và các nghiệp vụ cần thiết để đi làm việc.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nguyễn Văn Cường thông tin, Trung tâm đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh. Bằng nhiều hình thức như: thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, điện thoại, website, Facebook, Zalo…, Trung tâm đã cung cấp kịp thời thông tin về xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore đến với người lao động.
Trong quý I/2022, Trung tâm đã tư vấn về xuất khẩu lao động cho gần 2.000 lượt người lao động; giới thiệu 60 lao động đến các công ty, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hợp pháp để phỏng vấn và hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để xuất cảnh cho 12 người…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc