Multimedia Đọc Báo in

Cư Ni nỗ lực giữ vững chuẩn vệ sinh toàn xã

08:10, 25/05/2022

Cuối năm 2018, khi được chọn tham gia Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (gọi tắt là Chương trình) vay vốn của Ngân hàng Thế giới, xã Cư Ni (huyện Ea Kar) đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân, nỗ lực thực hiện các tiêu chí.

Theo kết quả khảo sát đầu kỳ năm 2018, toàn xã Cư Ni chỉ có trên 30% trong tổng số hộ nghèo, cận nghèo của xã có nhà tiêu hợp vệ sinh. Phần lớn số hộ trên địa bàn chưa quan tâm đến việc xây dựng điểm rửa tay bằng xà phòng, nhà vệ sinh khép kín mà chủ yếu làm tạm bợ trong vườn, không phù hợp với mỹ quan và vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Lãnh đạo UBND xã Cư Ni (huyện Ea Kar) tìm hiểu tình hình đời sống người dân trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Ni Nguyễn Văn Vỹ cho biết, ban đầu công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn bởi các hộ đã quen với nếp sinh hoạt cũ và có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Hơn nữa, Chương trình dựa trên kết quả đầu ra, đòi hỏi các hộ phải xây dựng công trình trước, sau đó mới được giải ngân vốn. Vì vậy, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, UBND xã và các đoàn thể chính trị - xã hội quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện các tiêu chí của Chương trình gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động được lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt định kỳ của các thôn, buôn, đoàn thể, qua hệ thống loa truyền thanh và phát tờ rơi; đồng thời tranh thủ tiếng nói, vai trò của già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo. Bên cạnh đó, xã Cư Ni còn huy động 21 đơn vị kết nghĩa cùng phối hợp với buôn vận động, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.

Phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng hộ” đã được xã Cư Ni áp dụng hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp tham khảo mô hình xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn của các địa phương khác, chụp ảnh mẫu mã, thiết kế, hoạch toán chi phí và hướng dẫn cho các hộ. Bên cạnh đó, xã chọn 6 hộ nghèo, cận nghèo của 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để làm điểm, tận dụng công lao động của gia đình nhằm giảm chi phí xây dựng.

Ông Y Luận Byă, Trưởng buôn, người có uy tín buôn Ea Ga cho hay, nhận thấy lợi ích của Chương trình sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cấp ủy, ban tự quản, mặt trận và các đoàn thể của buôn đã sát cánh cùng cán bộ xã và nhân viên trạm y tế xã trong công tác tuyên truyền, vận động, nhất là tại các hộ được chọn làm điểm. Sau đó, người dân đã truyền tai nhau và tự nguyện lên đăng ký xây dựng nhà vệ sinh để được nhận thưởng từ Chương trình.

Anh Y Thóc Bkrông (bên trái) ở buôn Ea Gar chia sẻ cách thức xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý phế thải qua hầm biogas để có thêm nhiên liệu đun nấu.

Gia đình anh Y Thóc Bkrông là hộ nghèo của buôn Ea Ga. Trước đây, gia đình sử dụng nhà vệ sinh tự đào ở trong vườn rất bất tiện, nhất là mỗi khi mưa gió. Được cán bộ xã, ban tự quản buôn vận động, gia đình anh đã đăng ký xây dựng nhà vệ sinh nối liền sau khu nhà ở, phế thải đẩy hết xuống hầm biogas để có thêm nhiên liệu phục vụ đun nấu. Theo anh Y Thóc, được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh khép kín rất tiện lợi, sạch sẽ.  Các cháu nhỏ cũng đã có ý thức rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh.

Cách làm gần dân, sát dân của xã Cư Ni đã tạo hiệu ứng “vết dầu loang”, từ chỗ người dân không quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, đến nay các hộ trên địa bàn xã đều chú trọng xây dựng nhà vệ sinh khép kín đạt tiêu chuẩn trong khu vực nhà ở, tận dụng bồn nước được cấp từ Chương trình 132, 134 để xối rửa, vặn xả.

Ngoài nguồn kinh phí của Chương trình hỗ trợ cho 350 hộ (50 USD/hộ), Quỹ Vì người nghèo của huyện, xã đã hỗ trợ thêm cho 100 hộ đăng ký làm trước với tổng số tiền 100 triệu đồng. Mặt trận xã cũng vận động các hộ được hỗ trợ xây dựng nhà 167 ký cam kết xây dựng công trình vệ sinh. Nhận thức được nâng cao, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng đã tự đầu tư kinh phí để cải tạo, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh và điểm rửa tay bằng xà phòng. Xã cũng chú trọng vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không nuôi gia súc, gia cầm gần nhà hoặc dưới sàn nhà, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Nhờ vậy, xã Cư Ni đã được công nhận đạt chuẩn vệ sinh toàn xã cuối năm 2019 và duy trì mô hình theo hướng bền vững.

Đến nay, xã Cư Ni có 81,92% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 88%, có hệ thống xử lý nước thải hợp vệ sinh đạt trên 75%, có điểm rửa tay bằng xà phòng đạt trên 80%; trạm y tế và các trường học đều có khu vệ sinh, nước sạch và điểm rửa tay bằng xà phòng...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.