Đâu phải trẻ em không biết gì!
Trong một chuyến thiện nguyện, nữ bác sĩ tôi quen đưa con gái đi cùng. Cô bé 7 tuổi, trạc tuổi con tôi. Nhìn cháu trắng trẻo, đáng yêu, trò chuyện chững chạc, tôi và mọi người trong đoàn đều rất cảm mến.
Đến lúc đi rửa tay chuẩn bị ăn trưa, tôi rủ cháu đi cùng, choàng tay qua định ôm vai cháu. Thật bất ngờ, cháu nhẹ nhàng tránh cánh tay của tôi, giọng đầy nghiêm nghị: “Cô đừng chạm vào cháu, cháu không thích như thế!”
Câu nói của cháu khiến một người mẹ như tôi đột nhiên vừa xấu hổ, vừa khâm phục. Đúng như thế, tôi không có quyền chạm vào người một đứa trẻ chỉ vì thấy chúng đáng yêu. Tôi, mặc dù cùng là phụ nữ, đã nói chuyện khá thân thiết với cô bé nhưng chưa hẳn đã “an toàn” đối với đứa trẻ ấy. Và cháu có quyền lên tiếng từ chối mọi sự đụng chạm của người khác vào bất cứ đâu trên cơ thể mình, như một sự tôn trọng cần thiết trong giao tiếp.
Ảnh: Internet |
“Sự cố giao tiếp” ấy khiến tôi sực tỉnh về thói quen cư xử của tôi cũng như bộ phận không nhỏ người lớn với trẻ em. Thấy một đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu, nhiều người trong chúng ta thường không kiềm được sự yêu thích mà tiến đến gần nắm tay, nắn chân hay bẹo má. Đứa trẻ dễ tính còn được ngỏ ý cho bồng một tí, bị hôn hoặc bị bắt hôn má người lớn! Tùy vào mối quan hệ, hành động thân thiết quá mức ấy của người lớn có khi được chính người giám hộ là cha hoặc mẹ cháu khuyến khích, cổ vũ dù cho đứa trẻ có ngại ngần hay sợ hãi. Cũng có khi cha mẹ cháu không thích, khó chịu nhưng cũng không dám thẳng thắn phản đối vì ngại mất lòng.
Tôi lại càng khâm phục hơn cách dạy con của chị bác sĩ ấy khi cháu biết thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nghiêm túc nói “Không!” để tự bảo vệ chính mình. Bản thân tôi là một người mẹ có con gái, cũng thường xuyên nhắc nhở con mình không được đi theo người lạ, không được nhận đồ từ người lạ, không được để người lạ động chạm vào cơ thể. Nhưng tôi chưa dạy con cụ thể người lạ là những ai, cơ thể là tất cả mọi vị trí hay chỉ tập trung vào những vùng nhạy cảm mà chúng ta thường gọi là “vùng đồ bơi” mà thôi. Và trong tình huống tương tự, con tôi có thể cũng sẽ không biết cách lên tiếng từ chối sự động chạm của người khác vào cơ thể mình khi chính cha mẹ của con vẫn còn giữ thói quen suồng sã trong giao tiếp với những trẻ em khác.
Người lớn thường bảo “trẻ con vô tư”, “trẻ con thì biết gì”, nhưng thực tế, trẻ nhạy cảm và sâu sắc hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Đôi khi, chính người lớn mới là những “đứa bé to xác và vô tư” trong mắt trẻ em. Những cử chỉ động chạm, những câu nói bông đùa của người lớn có thể làm cho trẻ em cảm thấy không được tôn trọng, tổn thương tinh thần và hơn hết là khiến trẻ bị nhiễu loạn trong việc phân biệt đâu là hành động biểu thị yêu thương, đâu là hành vi xâm hại.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc